Các đối tượng gọi điện thoại, giới thiệu mình làm việc ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để đặt hàng từ thiện, đặt hoa chúc mừng các sự kiện… Sau khi tạo được niềm tin, các đối tượng lừa đảo giở chiêu bài nhờ đặt thêm hàng để chiếm đoạt tiền.
Cuối tháng 9-2023, bà Đ.T.T, chủ một cửa hàng kinh doanh gạo ở phường Phước Hải (TP. Nha Trang) nhận được cuộc gọi đặt hàng gạo làm từ thiện từ một khách hàng nữ. Sau khi trao đổi qua điện thoại, hai bên kết nối qua Zalo. Trên hình ảnh Zalo, nữ khách hàng này đăng nhiều hình ảnh hoạt động liên quan đến một tổ chức Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh.
Sau gần 1 tuần nhắn tin qua nền tảng Zalo trao đổi qua lại, hai bên thống nhất chọn gạo với số lượng 100kg, giao cho một người có tên là N. tại tổ chức Hội Chữ thập đỏ. Đến sáng hôm sau, nữ khách hàng này tiếp tục gọi điện thoại cho bà T. nhờ đặt thêm 200 hộp pate, do có một nhà hảo tâm ở nước ngoài mới tài trợ thêm. Do không biết nguồn hàng này nên bà T. từ chối việc nhờ mua. Lúc sau, đối tượng này tiếp tục gọi điện báo có người chỉ cho chỗ mua và chuyển khoản thanh toán số tiền gạo cùng số pate nhờ mua với tổng số tiền 32 triệu đồng. Tin nhắn chuyển khoản được đối tượng chụp lại, gửi qua Zalo cho bà T. Mặc dù chưa nhận được tiền vào tài khoản song do nhiều lần khách hàng thanh toán qua ngân hàng dịp cuối tuần tin báo tiền thường đến trễ nên bà T. không nghĩ mình bị lừa. Cộng thêm thời gian gấp, buổi chiều phải phát cho người dân nên bà T. liên hệ theo địa chỉ đối tượng giới thiệu và chuyển khoản đặt cọc gần 8,5 triệu đồng. Sau đó, bà T. gọi điện thoại cho người phụ nữ để giao hàng thì số điện thoại không liên lạc được. Bà T. tiếp tục nhắn tin qua Zalo cho người này để tìm hiểu nguyên nhân nhưng đã bị chặn!
Cũng với chiêu thức đó, đầu tháng 10, chị N.T.H ở phường Phước Hải nhận được cuộc gọi đặt 6 lẵng hoa tươi phục vụ hội nghị từ nam thanh niên tự xưng tên là Nguyễn Thành Nam. Sau khi trao đổi giá qua Zalo, người này đề nghị giao lẵng hoa tại một đơn vị quân đội đóng quân ở huyện Diên Khánh. Sau khi đặt cọc 500.000 đồng, đối tượng này đẩy thời gian giao hoa sớm hơn và lấy lý do gấp gáp, ở trong đơn vị không rành nên người này tiếp tục nhờ chị H. mua thêm trà, thuốc lá để làm quà. Chị H. thấy nghi ngờ nên từ chối. Thấy không lừa được chị H., sau đó, đối tượng liền gọi ngay cho người nhà chị H. báo sắp đến nhận hoa và tiếp tục dùng chiêu nhờ người nhà chị H. mua trà, thuốc lá theo địa chỉ đối tượng đưa và sẽ thanh toán đầy đủ khi đến nhận hoa. Tuy nhiên, sau khi bị người nhà chị H. từ chối, các đối tượng đã lặn mất tăm.
Theo bà T., thủ đoạn lừa của các đối tượng này không mới nhưng với bẫy gài tinh vi, bài bản và có sự chuẩn bị thao túng tâm lý trong thời gian dài nên nhiều cửa hàng dễ mất cảnh giác, nhất là khi các đối tượng đã kết nối qua Zalo và tạo niềm tin bằng những hình ảnh trên dòng thời gian rất thật là người của các đơn vị, tổ chức. Chỉ sau khi bị mất tiền, bà T. tìm hiểu mới biết, toàn bộ những hình ảnh đối tượng có được đều sao chép từ hoạt động của tổ chức Hội Chữ thập đỏ, còn thực tế, người tên N. là do đối tượng tự bịa đặt nhằm lừa đảo chủ tiệm gạo. “Tôi bán hàng từ thiện cũng nhiều, người mua lại xưng đến từ Hội Chữ thập đỏ nên tôi đã tin và sập bẫy của đối tượng lừa đảo”, bà T. cho biết.
Với chiêu trò này, đầu năm 2023, nhiều nhà hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã bị các đối tượng lừa đảo hàng chục triệu đồng. Theo đó, các đối tượng lừa đặt tiệc, sau đó nhờ mua rượu theo yêu cầu và sẽ thanh toán khi đến ăn, hoặc gửi hình ảnh đã chuyển khoản số tiền nhờ mua.
Theo đại diện Công an TP. Nha Trang, hiện nay, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số trường hợp người bị hại không đến cơ quan công an trình báo... Ngoài việc các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động nghiệp vụ để nắm tình hình, xử lý kịp thời những đối tượng lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mỗi người dân cần luôn đề cao tinh thần cảnh giác.
THÀNH LONG