Tỉnh Khánh Hòa thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ với dân số khoảng 1,3 triệu người, 32 dân tộc, có 08 tôn giáo với hơn 350.000 tín đồ; diện tích tự nhiên 5.197 km2, bờ biển kéo dài 385 km, 200 đảo, bán đảo lớn nhỏ ven bờ, có 09 vịnh đầm, nhiều nhất cả nước (trong đó vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong có giá trị nổi bật về du lịch, quân sự và hàng hải quốc tế). Hiện Khánh Hòa có 09 đơn vị hành chính, gồm 02 thành phố (TP Nha Trang, Cam Ranh), 01 thị xã (TX Ninh Hòa) và 06 huyện (Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Trường Sa), trong đó, thành phố Nha Trang là một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị quốc tế lớn của cả nước, vịnh Nha Trang là thành viên của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an Khánh Hòa đã hăng hái tham gia cuộc chiến đấu diệt trừ Việt gian, phản động tay sai của Pháp và phát xít Nhật, đập tan âm mưu gây rối của bọn Quốc dân Đảng, bảo vệ an toàn các cuộc mít tinh, “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa 1, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, tích cực chuẩn bị mọi mặt cùng toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 23/10/1945, phối hợp với quân và dân trong tỉnh, Công an Khánh Hòa anh dũng chiến đấu suốt 101 ngày đêm bao vây quân Pháp tại mặt trận Nha Trang, chặn đứng âm mưu của thực dân Pháp muốn “đánh nhanh thắng nhanh” mở rộng chiếm đóng các tỉnh Nam Trung bộ. Tháng 2/1946, Ty trinh sát đổi tên thành Ty Công an, thành lập các đội, tổ Công an xung phong, giải thể Công an các phủ thành lập Công an các khu, xây dựng căn cứ kháng chiến. Công an Khánh Hòa phối hợp với các lực lượng vũ trang anh dũng chiến đấu; tổ chức lực lượng hoạt động ngay trong lòng địch, "Diệt tề, trừ gian", góp phần cùng quân dân cả nước làm nên một “Điện Biên phủ chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954).
Chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954), Ty Công an giải thể. Năm 1961, thành lập bộ phận an ninh thuộc Văn phòng Tỉnh ủy – đây là tổ chức tiền thân của Công an Khánh Hòa trong chống Mỹ. Cuối năm 1962, thành lập Ban An ninh; từ đó, lực lượng an ninh không ngừng phát triển, hình thành Ban An ninh các huyện, các đơn vị nghiệp vụ, đào tạo được một đội ngũ cán bộ chiến đấu anh dũng, kiên cường trên cả 3 vùng chiến lược, xung kích trong các phong trào “Đồng khởi”, Chiến dịch mùa Thu, Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, các chiến dịch HT… An ninh Khánh Hòa đã góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngay sau khi giành được chính quyền, để đáp ứng tình hình mới, nhiệm vụ mới, từ tháng 1/1976, tỉnh Phú Khánh được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa. Công an Phú Khánh đã đấu tranh chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Cam-Pu-chia, đảm bảo an ninh quốc gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thi hành Quyết định số 83/QĐ-TW ngày 14/3/1989 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 5 (khóa VIII) về việc tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Ngày 01/7/1989 tỉnh Khánh Hòa được thành lập, ngày 7/7/1989, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 718/QĐ-BNV quy định bộ máy Công an tỉnh Khánh Hòa và chính thức mang tên Công an tỉnh Khánh Hòa cho đến nay.
Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Công an tỉnh Khánh Hòa chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ và Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Công an về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Chủ động, sáng tạo đổi mới các biện pháp công tác nghiệp vụ, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phong cách lãnh đạo chỉ huy, cải tiến lề lối làm việc; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nhận thức và năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh trật tự, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, văn hóa tư tưởng; an ninh kinh tế, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc nổi lên về an ninh xã hội, kiềm toả, ngăn chặn hoạt động chống đối của các phần tử bất mãn, quá khích; không để xảy ra những tình huống đột biến, bất ngờ. Triển khai các hoạt động phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời, quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu cần – kỹ thuật, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Xây dựng Công an tỉnh Khánh Hòa “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, đẩy mạnh phong trào học tập, thực hiện 06 điều Bác Hồ dạy gắn với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác cải cách hành chính. Những thành tích của Công an tỉnh Khánh Hòa đã góp phần phục vụ nhiệm vụ kinh tế- xã hội của tỉnh và đất nước. Khánh Hòa trở thành điểm đến an toàn cho du khách, là nơi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác và phát triển kinh tế.