Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm ký một sắc lệnh hành pháp trong tháng 2 để đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chip và các sản phẩm quan trọng khác nhằm ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn.
Thiếu hụt chip bán dẫn đang làm chậm nhịp sản xuất của các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ - Ảnh: REUTERS
Sắc lệnh sẽ chỉ đạo việc phát triển một chiến lược về chuỗi cung ứng quốc gia, cũng như đưa ra các khuyến nghị cho các mạng lưới cung ứng ít bị ảnh hưởng dẫn đến gián đoạn bởi các thảm họa và các biện pháp trừng phạt từ các quốc gia không thân thiện, theo tạp chí Nikkei Asia ngày 24-2.
Các biện pháp sẽ tập trung vào chất bán dẫn, pin xe điện, đất hiếm và các sản phẩm y tế. Dự thảo mà Nikkei Asia có được nêu rõ "làm việc với các đối tác có thể dẫn đến chuỗi cung ứng mạnh mẽ và linh hoạt", nhấn mạnh các mối quan hệ quốc tế sẽ là trọng tâm trong kế hoạch này.
Washington dự kiến sẽ theo đuổi mối quan hệ đối tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Úc, trong khai thác đất hiếm.
Mỹ cũng có kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh, đối tác thân thiết về mạng lưới cung ứng các sản phẩm quan trọng cũng như thúc đẩy các sản phẩm bổ sung. Nước này cũng sẽ xem xét một khuôn khổ để có thể chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng quan trọng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về an ninh các kho dự trữ và năng lực sản xuất của các bên.
Chính quyền Washington cũng có thể yêu cầu các đồng minh, đối tác ít làm ăn với Trung Quốc hơn, theo tạp chí Nikkei Asia.
Vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách hơn khi việc thiếu hụt chip bán dẫn đã ảnh hưởng đặc biệt đến các nhà sản xuất ô tô Mỹ.
Mỹ đã chứng kiến thị phần của mình trong sản xuất chất bán dẫn toàn cầu giảm trong vài thập kỷ qua, từ 37% trong năm 1990 xuống còn 12% năm 2021, theo công ty Tư vấn Boston.
Mỹ cũng đã yêu cầu Đài Loan, thuộc top danh sách với 22% thị phần, tăng tốc sản xuất nhưng các nhà máy của hòn đảo này vốn đã hoạt động hết công suất, dẫn đến việc khó có thể tăng nguồn cung trong ngắn hạn.
Trong khi đó, công ty Tư vấn Boston dự báo Trung Quốc, với trợ cấp 100 tỉ USD từ chính phủ, sẽ vươn lên dẫn đầu thế giới với 24% thị phần trong năm 2030. Mỹ nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm từ Trung Quốc và phụ thuộc nước này tới 90% một số sản phẩm y tế.
Phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đối với các sản phẩm quan trọng có thể tạo ra rủi ro an ninh. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010 trong bối cảnh căng thẳng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Tạp chí Nikkei Asia nhận định việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng có thể mất nhiều thời gian, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Washington đã bắt đầu đặt nền móng cho ý định này từ năm 2020 khi kêu gọi các nền kinh tế mạnh công nghệ hay giàu tài nguyên có giá trị như Đài Loan, Nhật Bản và Úc giảm bớt các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh.
Đài Bắc đã phản ứng đặc biệt nhanh chóng. Mỹ và Đài Loan đã ký một bản ghi nhớ vào tháng 11-2020 để thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, bao gồm chất bán dẫn và 5G. Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cũng có kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 20 tỉ yen (khoảng 190 triệu USD) ở Nhật.
Về đất hiếm, Mỹ đang hợp tác với Úc để đối phó với sự thống trị của Trung Quốc. Công ty khai thác đất hiếm Úc Lynas đang xây dựng một nhà máy ở Texas với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
ANH THƯ