Dàn chiến đấu cơ của Mỹ và Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung. Ảnh: Reuters
Theo lực lượng không quân Hàn Quốc, cuộc tập trận diễn ra ở phía Nam bán đảo Triều Tiên có mục tiêu mở rộng khả năng ứng phó của ba nước trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của Triều Tiên. Phía Hàn Quốc nhấn mạnh cuộc tập trận “một lần nữa thể hiện mối hợp tác an ninh và đoàn kết giữa ba nước và tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh bán đảo Triều Tiên”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho rằng cuộc tập trận báo hiệu một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ đối tác quốc phòng đáng tin cậy giữa ba nước, là minh chứng cho quyết tâm không lay chuyển của liên minh sau những thỏa thuận và cam kết đạt được tại hội nghị thượng đỉnh giữa ba nhà lãnh đạo diễn ra hồi tháng 8 vừa qua ở Trại David.
Trên thực tế, hội nghị thượng đỉnh tại Trại David đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản gặp nhau trong một cuộc họp độc lập, không phải bên lề một sự kiện quốc tế. Đây cũng là sự kiện ngoại giao đầu tiên kể từ năm 2015 được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ.
Giới phân tích cho rằng động thái này thể hiện mong muốn của Tổng thống Mỹ muốn làm sâu sắc quan hệ với hai đồng minh ở Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí cam kết "tham vấn lẫn nhau” trong tình huống phải đối phó với những mối đe dọa chung.
Hiện thực hóa cam kết này, hôm 17/10, hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao của Hàn Quốc cho biết nước này cùng với Mỹ và Nhật Bản đã thiết lập đường dây nóng liên lạc ba bên, một động thái phản ánh bước tiến trong quan hệ hợp tác giữa các nước này. Đường dây nóng sẽ kết nối Hội đồng An ninh quốc gia ba nước, cho phép lãnh đạo cùng quan chức an ninh cấp cao các nước này có thể điện đàm hoặc liên lạc trực tuyến bất cứ lúc nào.
Trước đó, hôm 10/10, hải quân Hàn Quốc cũng thông báo nước này cùng với Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc diễn tập 3 bên về an ninh hàng hải tại vùng biển phía Nam bán đảo Triều Tiên lần đầu tiên sau 7 năm.
Đây là một phần trong các nỗ lực nhằm tăng cường phối hợp an ninh và cụ thể hóa quyết định của lãnh đạo quốc phòng ba nước tại một cuộc gặp ở Singapore hồi tháng 6 về việc nhất trí nối lại hoạt động diễn tập an ninh hàng hải. Cùng với cuộc tập trận mới diễn ra hôm 22/10, giới quan sát, khẳng định đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ và hai nước đồng minh châu Á nhằm mở rộng khả năng ứng phó trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi hợp tác quân sự ba bên được thắt chặt cũng là lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đứng trước nguy cơ leo thang, bởi bấy lâu nay Triều Tiên luôn phản ứng gay gắt trước các động thái tập trận chung Mỹ-Hàn nói riêng và hợp tác liên minh ba nước nói chung.
Rõ ràng rằng, với việc nâng cấp hợp tác ba bên, Mỹ có lý do để đẩy mạnh hơn nữa sự hiện diện quân sự tại khu vực, thể hiện cam kết lâu dài với hai đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á bằng các bước đi cụ thể. Song điều đó cũng có thể dẫn tới việc Triều Tiên tìm hướng hợp tác để đối phó với liên minh Mỹ-Nhật-Hàn.
Dễ nhận thấy ngay khi hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Trại David diễn ra, Triều Tiên đã lập tức lên tiếng cáo buộc Seoul và Washington đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự để thực hiện các thỏa thuận hội nghị thượng đỉnh “ngay cả trước khi chữ ký trên các tài liệu của thỏa thuận ráo mực”. “Nếu các thỏa thuận được đặt ra tại Trại David được triển khai trên thực tế thông qua cuộc tập trận, khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh nhiệt hạch trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên thực tế hơn”, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố.
Trong những phản ứng mới nhất, Triều Tiên hôm 20/10 đã lên tiếng chỉ trích Mỹ điều máy bay B-52 đến Hàn Quốc, cảnh báo khí tài chiến lược của Washington tại bán đảo sẽ là "mục tiêu hủy diệt hàng đầu”.
KCNA trong bài xã luận bằng tiếng Anh đăng tải cùng ngày cho rằng, hoạt động "khiêu khích hạt nhân" nhằm vào Triều Tiên đang tiến đến "giai đoạn nguy hiểm hơn" khi Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Hàn Quốc. Nhìn xa hơn, hành động của Mỹ và Hàn Quốc có thể khiến Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa mới, dễ đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng, gia tăng nguy cơ xung đột, đối đầu.
Đặt trong bối cảnh thế giới những tuần qua đang chứng kiến đầy rẫy bất ổn với mâu thuẫn liên tiếp xảy ra, cộng đồng quốc tế kỳ vọng nhiều hơn vào việc Mỹ cùng các đồng minh Đông Bắc Á và Triều Tiên sớm trở lại bàn đàm phán, bởi đối thoại và đàm phán là hướng đi phù hợp hơn cả để tìm ra giải pháp hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
An Nhiên