Đây là khẳng định của Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước, sáng 25/10.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Bộ Công an đã trực tiếp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước theo ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25 (tháng 8/2023), sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4 (tháng 8/2023) và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan theo quy định.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận.
"Đến nay, dự thảo luật đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có ý kiến thống nhất cao với dự thảo luật", Bộ trưởng thông tin.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, để thực hiện nhiệm vụ mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 10 năm 2021 – 2030 của Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra là đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển KTXH và đời sống nhân dân, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý thì việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, dự án luật còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Dự án luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển KTXH; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án số 06 Chính phủ đang triển khai thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng về các thuật ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản và các nhóm vấn đề lớn mà nhiều ĐBQH có ý kiến về giải thích từ ngữ; về quyền và nghĩa vụ của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; về các hành vi bị nghiêm cấm; về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước; về quy định liên quan đến thẻ căn cước; về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận căn cước; về căn cước điện tử.
Quang cảnh hội trường.
Qua thảo luận tại hội trường hôm nay, các ĐBQH đã phát biểu về một số vấn đề; trong đó, đều cơ bản thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Ngoài các vấn đề chính nêu trên, các ĐBQH còn góp ý vào những điều luật cụ thể của dự thảo Luật Căn cước như quy định về giải thích từ ngữ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, căn cước điện tử; việc thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu; về thẩm quyền cấp, thời hạn cấp và đổi thẻ...
"Cũng có đại biểu băn khoăn việc sử dụng chip hoặc QR code có bị theo dõi không? Bộ Công an khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử và QR code, căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an cũng như bất cứ cơ quan nào cũng không được và không thể làm việc này; đồng thời chúng tôi cũng có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn cho công dân - những người sử dụng thẻ không bị theo dõi bởi bất cứ cơ quan nào" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, đây có thể là thông tin mà những đối tượng xấu tung ra gây hoang mang cho nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn các ý kiến quý báu của ĐBQH, đồng thời khẳng định, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp UBQPAN và các cơ quan liên quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước cho phù hợp, bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội thông qua.
Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các ĐBQH đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như cơ quan soạn thảo, cơ bản tán thành với nội dung dự thảo luật qua tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo tiếp thu, giải trình. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ các ý kiến; UBQPAN cần khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan tổ chức tiếp thu ý kiến ĐBQH, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua bảo đảm chất lượng, đúng chương trình kỳ họp và tạo được sự đồng thuận cao.
Quỳnh Vinh