Tin nhắn do đối tượng tự xưng là Hà Đức Toàn gửi cho ông N.V.L. để đặt hàng.
Sau đó, đối tượng nhắn tin đề nghị ông L. cung cấp thêm 5 bếp khè, 2 bếp khè hâm và đổi 2 bình gas loại 12kg. Nghe ông L. trả lời doanh nghiệp không cung cấp các mặt hàng trên, đối tượng liền giới thiệu đơn vị cung cấp khác để yêu cầu ông L. đặt hàng và báo đơn hàng trị giá gần 6 triệu đồng. Đơn vị cung cấp yêu cầu ông L. khi đặt hàng phải chuyển đặt cọc 50% giá trị đơn hàng.
Nhận thấy dấu hiệu bất thường, ông L. liên hệ với Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác minh thông tin và được trả lời đơn vị không có quân nhân chuyên nghiệp nào tên là Hà Đức Toàn và cũng không có nhu cầu đặt các loại bếp và đổi bình gas trên.
Trước đó, anh N.T.L., chủ một nhà hàng ở phường 7, TP Vũng Tàu cũng bị một đối tượng giả danh bộ đội công tác tại Ban CHQS TP Vũng Tàu đặt 7 bàn tiệc để mời khách. Sau khi chốt đơn, người này gửi cho anh L. giấy báo chuyển tiền đặt cọc giả, đồng thời đề nghị anh L. đặt giúp 10 chai rượu ngoại với bên thứ ba do đối tượng giới thiệu.
Sau khi liên lạc với bên thứ ba, các đối tượng hứa sẽ chiết khấu phần trăm cho nhà hàng cũng như yêu cầu anh L. chuyển cọc 20 triệu đồng để giữ hàng. Sau khi nhận được tiền cọc, nhóm đối tượng chặn số điện thoại và Zalo anh L…
Tương tự, tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngày 3/9, tên tài khoản Zalo Nguyễn Thịnh giả danh cán bộ Ban CHQS TP Bảo Lộc đặt mua hoa tại quán Phố Hoa (địa chỉ số 260 Trần Phú, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Đối tượng đặt 2 chậu hoa giá trị 8 triệu đồng, chuyển khoản cọc 1 triệu nhờ giao về Ban CHQS thành phố.
Đối tượng lấy được lòng tin của chủ quán đã nhờ mua 15 hộp trà, loại trà “Đại Hồng Bảo” do chính đối tượng giới thiệu tài khoản Zalo để mua, giá niêm yết hơn 1,2 triệu đồng/hộp, nhưng cửa hàng này chỉ bán với giá hơn 1 triệu đồng/hộp, do lợi nhuận quá hấp dẫn nên cửa hàng đã chuyển khoản mua hàng với mệnh giá 15,75 triệu đồng.
Sau đó, đối tượng tiếp tục nhờ mua các sản phẩm có giá trị khác. Tuy nhiên người nhà phát hiện lừa đảo nên giao dịch không thành công. Cửa hàng bị lừa mất 14 triệu đồng…
Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản gửi UBND các thành phố, huyện, các sở ban ngành tỉnh về việc cảnh giác, phòng chống thủ đoạn giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo ở TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và các huyện, chiếm đoạt số tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/vụ.
Theo Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, từ tháng 7/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 12 trường hợp mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Các đối tượng thường dùng điện thoại để gọi điện, nhắn tin để hù dọa, lừa đảo người dân. Ngoài ra các đối tượng trên còn dùng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... để đăng hình ảnh có mặc quân phục của lực lượng quân đội nhằm mục đích thực hiện các hành vi phạm tội dễ dàng hơn.
Điển hình như ngày 21/8, đối tượng giả danh tên Phạm Quốc Khải, tự xưng công tác tại Ban CHQS huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, sử dụng số điện thoại 0868.834.342 gọi điện thoại cho chủ cơ sở dịch vụ nấu ăn Phương Hà (xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đặt 6 bàn tiệc (mỗi bàn trị giá 2,5 triệu đồng).
Ngoài ra, đặt thêm 6 chai rượu nhãn hiệu Henschke Hill of Grace (3,8 triệu đồng/chai) và nhờ ứng trước chuyển 18,48 triệu đồng (tiền rượu) vào số tài khoản 1035442719 có tên Nông Thị Ngọc Huyền nhưng chủ cơ sở nấu ăn không đồng ý. Lúc 14h50 cùng ngày, bà Nguyễn Thị Duy Phượng chở 6 bàn tiệc đến Ban CHQS huyện thì mới phát hiện bị lừa đảo…
Ngoài ra, tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận… cũng đã xảy ra một số vụ việc giả danh quân đội để lừa đảo tương tự.
Theo Đại tá Trương Huy Bình, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thủ đoạn của đối tượng là sử dụng tài khoản Zalo có hình người mặc quân phục gọi đến các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng xe ôtô, gas, nội thất, nhà hàng, dịch vụ nấu ăn... và xưng là cán bộ Bộ CHQS tỉnh hoặc ban CHQS huyện, thị xã, thành phố có nhu cầu đặt mua các mặt hàng, đặt tiệc liên hoan.
Khi các cơ sở trên nhận cung cấp mặt hàng hoặc tiệc ăn, đối tượng lừa đảo chụp lại thông tin đã chuyển tiền đặt cọc giả và gửi cho phía nhận đặt tiệc. Đồng thời tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp, nhà hàng cung cấp thêm một số mặt hàng không kinh doanh hoặc rượu, sâm quý… để làm quà biếu.
Khi nơi nhận đặt tiệc không tìm được nguồn hàng theo yêu cầu, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn liên hệ với bên thứ ba có nguồn hàng. Sau khi nhà hàng chuyển tiền cọc mua hàng qua số tài khoản được cung cấp, đối tượng lừa đảo cắt liên lạc và chiếm đoạt tiền.
Để ngăn chặn các hành vi trên, Bộ CHQS các tỉnh thành đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận được những cuộc gọi của người lạ tự xưng là cán bộ quân đội để đặt hàng, đặt tiệc; đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin và liên hệ với các đơn vị để xác minh trước khi thực hiện giao dịch. Trường hợp nếu phát hiện những người mang quân phục có hành động nghi ngờ, đề nghị báo ngay Cơ quan Quân sự các cấp và Cơ quan Công an gần nhất để phối hợp xác minh, xử lý, tránh tình trạng bị lừa đảo dẫn đến thiệt hại về tài sản.
Phú Lữ - Nam Phạm