Trang thông tin tổng hợp công an Khánh Hòa

: :
CÔNG AN NHÂN DÂN VÌ NƯỚC QUÊN THÂN, VÌ DÂN PHỤC VỤ

Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản

Tuy gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để xuất khẩu sản phẩm đi các nước. Qua đó, ổn định hoạt động của DN, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh.

Nỗ lực xuất khẩu

Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.200 lao động. Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của công ty tại Khu Công nghiệp Suối Dầu có năng lực chế biến 1.000 tấn tôm nguyên liệu mỗi tháng; 90% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường các nước: Châu Âu, Nhật, Mỹ với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 60 triệu USD. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD. Ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: “Trong đại dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn tại Mỹ và châu Âu phải đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động kinh doanh nên công ty đã tập trung phát triển đối tượng khách hàng là các siêu thị ở các thị trường này. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn được duy trì ở mức tốt. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam) đã tạo nên động lực lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này, bởi thuế xuất giảm về 0% đã tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn cho thủy sản Việt Nam so với các nước khác”.


Chế biến thủy sản tại Công ty Cổ phần Thông Thuận Cam Ranh.

Hoạt động của Công ty Cổ phần Gallant Ocean Việt Nam (tại Khu Công nghiệp Suối Dầu) cũng gặp nhiều thách thức nhưng DN vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để xuất khẩu. Với sự thay đổi trong cách thức tiêu thụ sản phẩm thủy sản đông lạnh của các thị trường nhập khẩu như: Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Australia, Nhật…, DN này đã chuyển hướng sang khai thác khách hàng là các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của đơn vị đạt gần 31 triệu USD. Dự kiến năm nay, kim ngạch xuất khẩu của đơn vị đạt hơn 32 triệu USD, đảm bảo việc làm cho 700 lao động.



Đồ họa: Bích La

Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 44 DN xuất khẩu thủy sản đi 64 thị trường. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 510 triệu USD, chỉ giảm khoảng 16% so với năm 2019. 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã đạt 109,08 triệu USD, chiếm 37,12% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Đây là nỗ lực rất lớn của các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản và cộng đồng ngư dân trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu áp lực nặng nề từ dịch bệnh.

Cần chú trọng truy xuất nguồn gốc

Một trong những động lực thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của các DN là việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại như: CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay AVFTA... Các hiệp định có nhiều ưu đãi cho sản phẩm thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu đến các thị trường này, từ đó mở ra cơ hội cho DN phát triển thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: “Để tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên, chúng ta cần thực hiện tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tự nhiên thì việc thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định hết sức quan trọng, từ đó thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản xuất khẩu, bởi đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU, Anh, Nhật… Đối với sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc nguyên liệu từ thủy sản nuôi trồng, các thị trường nhập khẩu cũng đặt điều kiện là phải có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, nhất là 2 mặt hàng tôm và cá mú”.


Đồ họa: Xuân Đinh

Bên cạnh việc tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, các DN cho rằng cần phải có sự quan tâm hơn đối với vấn đề nguyên liệu chế biến. Bởi hiện nay, tình trạng thiếu nguyên liệu thủy sản đưa vào chế biến, xuất khẩu đang buộc các DN phải nhập phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Đơn cử như các DN chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác phải nhập đến 60 - 70% nguyên liệu hay nhiều DN xuất khẩu ngành tôm phải nhập đến 50 - 70% nguyên liệu từ nước ngoài.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các DN, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hỗ trợ các DN và nông dân trong việc cấp mã số vùng nuôi để đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi trồng phục vụ xuất khẩu theo quy định của thị trường nhập khẩu; nghiên cứu hướng phát triển nuôi tôm công nghệ cao để phục vụ xuất khẩu. Đối với khai thác thủy sản, cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Ông cho biết, UBND tỉnh luôn lắng nghe, tháo gỡ khó khăn để các DN xuất khẩu thủy sản thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho công nhân, lao động…

HẢI LĂNG

Đối tượng truy nã

Thông báo

  • Tuyển dụng 02 lao động hợp đồng làm việc tại Nhà nghỉ dưỡng 378 của Công an Khánh Hòa

             Công an Khánh Hòa thông báo tuyển 02 lao động hợp đồng không xác định thời hạn hưởng lương từ ngân sách Nhà nước năm 2023; thông tin tuyển dụng cụ thể như sau:
              1.Đối tượng, tiêu chuẩn:
              Là công dân Việt Nam thường trú tại tỉnh Khánh Hòa; từ đủ 18 tuổi trở lên; đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, sức khỏe theo quy định của Bộ Công an; có văn bằng, chứng chỉ đào tạo nghề, kỹ năng nghề phù hợp với vị trí việc làm.
              2. Nhu cầu tuyển: 02 chỉ tiêu (gồm 01 phục vụ buồng, 01 thuyền phó)
              3. Vị trí làm việc: Nhà nghỉ dưỡng 378, Công an Khánh Hòa
             4. Hồ sơ đăng ký dự tuyển: (1) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động (theo mẫu của Bộ Công an); (2) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn theo yêu cầu của công việc cần tuyển; (3) Bản sao các giấy tờ có giá trị pháp lý chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên (nếu có).
              5. Thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ
              - Thời gian: Từ ngày 13/11/2023 đến ngày 13/12/2023 ( trong giờ hành chính, không nhận hồ sơ vào ngày thứ bảy, chủ nhật).
            - Địa điểm: Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Khánh Hòa ( số 80 Trần Phú, phường Lộc Thọ, Nha Trang, điện thoại: 0694401327-0983835236)./.

  • Thông báo về Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo Biểu trưng (LOGO), Khẩu hiệu (SLOGAN) và Mô phỏng ứng dụng điện tử (APP) của Bộ pháp điển Việt Nam”

             Thực hiện Kế hoạch công bố Bộ pháp điển Việt Nam (kèm theo Quyết định số 2212/QĐ-BTP ngày 15/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo Biểu trưng (LOGO), Khẩu hiệu (SLOGAN) và Mô phỏng ứng dụng điện tử (APP) của Bộ pháp điển Việt Nam”. Công an Khánh Hòa phát động, động viên, khuyến khích toàn thể cán bộ chiến sĩ hưởng ứng tham gia Cuộc thi.

  • Thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

        Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa thông báo việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tịch thu công quỹ nhà nước như sau:
        Tên người có tài sản đấu giá: Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa; địa chỉ: 80 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
        Tên tài sản bán đấu giá: Tài sản bán đấu giá tang vật bị tịch thu sung quỹ nhà nước là 08 m3 đất với giá 560.000 đồng ( Năm trăm sáu mươi ngàn đồng).
        Tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản:
        - Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá;
        - Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả;
        - Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản;
        - Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp;
        - Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.
        Thời gian, địa điểm nộp hồ sơn đăng ký tham gia tổ chức đấu giá:
        Các tổ chức đấu giá tài  sản đủ điều kiện với các tiêu chí nêu trên nộp hồ sơ từ ngày 29/9/2023 đến hết ngày 08/10/2023 tại Phòng Cảnh sát kinh tế; địa chỉ: 80 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
    Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa thông báo để các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến liên hệ nộp hồ sơ tham gia tổ chức đấu giá./.

Liên kết Website