Thực hiện Quyết định số 5714/QĐ-BCA, ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Phương án đơn giản hóa đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, Công an tỉnh triển khai đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú nhằm tạo thuận lợi cho người dân, cụ thể như sau:
1. Đăng ký thường trú lần đầu cho trẻ em mới sinh: Công dân không phải xuất trình Giấy khai sinh đối với trường hợp đăng ký thường trú cho trẻ em khai sinh lần đầu (áp dụng đối với trường hợp đã có dữ liệu đầy đủ, chính xác do Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đồng bộ sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
Căn cứ thực hiện đơn giản hóa: Theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì khi cấp định danh cho trẻ em mới sinh, dữ liệu của trẻ em mới sinh được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp.
2. Đăng ký thường trú cho vợ về với chồng, chồng về với vợ; cha, mẹ về với con, con về với cha mẹ: Công dân không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ vợ, chồng; Giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP, ngày 29/6/2021 của Chính phủ, cụ thể:
- Trường hợp thông tin về mối quan hệ vợ, chồng; cha, mẹ, con đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ ghi rõ vào nội dung Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả và Phiếu đề xuất phê duyệt hồ sơ.
- Trường hợp thông tin về mối quan hệ vợ, chồng; cha, mẹ, con của công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì thực hiện thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân theo quy định.
Căn cứ thực hiện đơn giản hóa: Hiện nay, thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm 18 nhóm trường thông tin, trong đó, có thông tin về họ, tên và số định danh của cha, mẹ, chồng (vợ), vì vậy, khi giải quyết đăng ký thường trú cho công dân theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú thì Công an địa phương không yêu cầu công dân phải xuất trình các loại giấy tờ như trên để chứng minh.
3. Người cao tuổi đăng ký thường trú với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người chưa thành niên đăng ký thường trú với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, người giám hộ: Công dân không cần xuất trình Giấy chứng minh người cao tuổi; Giấy tờ chứng minh người chưa thành niên quy định tại điểm d, e khoản 2 Điều 6 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP, ngày 29/6/2021 của Chính phủ, cụ thể:
- Trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ ghi rõ vào nội dung Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả và Phiếu đề xuất phê duyệt hồ sơ.
- Trường hợp thông tin về mối quan hệ của công dân chưa có hoặc không khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì thực hiện thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin công dân theo quy định.
Căn cứ thực hiện đơn giản hóa: Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi thì người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên và theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Hiện nay, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có thông tin về ngày, tháng, năm sinh của công dân vì vậy không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ chứng minh./.