Một đền thờ ở Khan Younis bị phá hủy trong cuộc không kích của Israel vào Gaza ngày 8/10.
Ảnh: Reuters.
Tổng Thư ký Antonio Guterres bày tỏ phản đối các cuộc tấn công của Hamas và lo ngại về các hành động đáp trả của Israel. Ông đánh giá tình hình ở Gaza là “vô cùng nghiêm trọng” và sẽ “chỉ xấu đi theo cấp số nhân”. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh công tác cứu trợ và đưa các vật tư thiết yếu vào khu vực này cần được tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho “những người dân thường Palestine bị mắc kẹt và bế tắc ở Dải Gaza”. Ông thể hiện sự quan ngại về cuộc “bao vây hoàn toàn” khu vực này của Israel, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 2,3 triệu dân tại đây.
Cuộc xung đột Israel – Hamas cũng phủ bóng lên Hội nghị mùa Thu thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra từ ngày 9-15/10 tại TP Marrakech, Morocco. Trong bản ghi nhớ nội bộ, WB bày tỏ quan ngại về thương vong và thiệt hại do xung đột Israel - Hamas gây ra đối với dân thường ở cả 2 phía. Bản ghi nhớ nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng xung đột sẽ nhanh chóng giảm leo thang và tiến tới chấm dứt bạo lực. WB và các đối tác phát triển của chúng tôi lâu nay vẫn làm việc để hỗ trợ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Bờ Tây và Gaza. Chúng tôi vẫn cam kết xây dựng nền tảng cho tương lai ổn định và bền vững hơn”.
Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến giá dầu mỏ tăng vọt và giới đầu tư đổ xô chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, có thể gây tác động đến các nền kinh tế đang phát triển. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB Indermit Gill cho rằng, xung đột Israel - Hamas có thể làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có rủi ro về sự phân mảnh của hoạt động thương mại, đặc biệt nếu chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn khiến giá cả hàng hóa leo thang như giai đoạn đại dịch. Cũng theo chuyên gia trên, cuộc xung đột có thể khiến lạm phát toàn phần gia tăng, gây ra những tác động dây chuyền đối với chính sách tiền tệ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các nước đang phát triển.
Tới nay, có ít nhất 900 người Israel đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas, trong khi chính quyền Gaza báo cáo có ít nhất 687 người chết. Ngoài ra, hàng nghìn người ở cả hai phía bị thương và cả trăm người đang bị bắt giữ làm con tin. Ngày 9/10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết: “123.538 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Gaza, hầu hết do lo ngại xung đột và nhà bị phá hủy”. Trên 73.000 người đang tạm trú tại các trường học được bố trí trở thành nơi trú khẩn cấp cho người dân. Người phát ngôn của Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA), ông Adnan Abu Hasna cảnh báo con số sẽ gia tăng hơn nữa. Theo quan chức này, UNRWA cung cấp đồ ăn, nước sạch, hỗ trợ tâm lý và thuốc men cho người trú tại các trường học nói trên.
Ông Hani Masri, nhà phân tích người Palestine cho rằng, diễn biến hiện nay là kết quả của tình hình kinh tế “bi thảm” ở Dải Gaza đang bị bao vây; các cuộc tấn công liên tục của Israel vào Bờ Tây bị chiếm đóng, vào các địa điểm linh thiêng và nhằm vào người Palestine; cũng như khả năng ngày càng tăng về một thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel. Ông cũng nói rằng, Israel có thể lợi dụng tình hình hiện tại để thu hút sự chú ý khỏi cuộc khủng hoảng nội bộ của chính mình.
Trong một kịch bản, theo chuyên gia Hani Masri, Israel có thể thực hiện động thái triển khai binh sĩ tới Dải Gaza, thay đổi thực tế hiện trạng đã tồn tại kể từ khi nước này rút lực lượng vào năm 2005. Tình hình có thể leo thang hơn nữa, lan ra các mặt trận mới, đặc biệt là ở biên giới phía Bắc với Liban. Trong thực tế, lực lượng Hezbollah ở Liban và Israel đã nã pháo vào nhau ngày 8/10. Chuyên gia Hani Masri nhận định các nỗ lực của thế giới Arab và quốc tế có thể thành công trong việc giảm leo thang cả tình hình lẫn mức độ trả đũa quy mô lớn từ Israel. Kết quả là, Israel có thể lựa chọn phản ứng mạnh mẽ nhưng có tính toán mà không đảo ngược hoàn toàn chiến lược ngăn chặn của mình.
Ở kịch bản khác, Israel sẽ tìm cách khôi phục sức mạnh răn đe đang suy yếu mà không đẩy vấn đề đến mức không thể quay lại được. Nhưng theo chuyên gia Hani Masri, có một số yếu tố có thể khiến Israel thúc đẩy giảm leo thang, bao gồm cả việc phương Tây không muốn tham gia một cuộc xung đột lớn khác trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn; và bạo lực xảy ra khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để làm trung gian cho một thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel. Mặc dù còn quá sớm để hình dung tình hình sẽ diễn ra như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn, nhưng vị chuyên gia nhận định, những gì xảy ra sau ngày 7/10 sẽ khác với những gì xảy ra trước đó.
Trước những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, ngày 9/10, khi được hỏi liệu Hamas có sẵn sàng thảo luận về một lệnh ngừng bắn hay không, Phó thủ lĩnh chính trị của Hamas Moussa Abu Marzouk nhấn mạnh lực lượng này sẵn sàng đón nhận “tất cả các cuộc đối thoại chính trị” và “điều gì đó tương tự”. Cùng ngày, người phát ngôn của cánh vũ trang Hamas Abu Ubaida tuyên bố lực lượng này sẽ không đàm phán về những người Israel bị bắt giữ “khi đang hứng chịu hỏa lực”. Ông Abu Ubaida lưu ý Israel nên sẵn sàng “trả giá” để đổi lấy tự do cho những người bị bắt giữ.
Khổng Hà (tổng hợp)