Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, bắt tạm giam Trần Thanh Nhã về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Anh Ngô Công Lịnh (ngụ Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Chúng tôi phải làm việc từ sáng đến khuya, thậm chí đến gần sáng. Nếu ai có ý định sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao thì xin bỏ ngay, đừng tin”. Với sự bóc lột ngày một tăng, khiến không ít người nảy sinh ý định bỏ trốn. Tuy nhiên, nơi họ làm việc biệt lập với khu dân cư, có bảo vệ canh gác với nhiều công cụ hỗ trợ; thêm vào đó là bất đồng ngôn ngữ nên việc bỏ trốn bất khả thi. Còn người lao động mỗi khi không đồng tình hay có ý định phản kháng, ngay lập tức bị đánh đập, chích dùi cui điện dã man. Đã có trường hợp vì không chịu nổi áp bức đành nhảy lầu tự vẫn.
Theo cơ quan chức năng, gần đây, các nhóm đối tượng trong, ngoài nước câu kết nhau, lợi dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… đăng tải thông tin tuyển dụng, quảng cáo hấp dẫn “việc nhẹ lương cao” đánh vào nhu cầu tìm việc làm của người dân, nhất là người dân ở nông thôn Cà Mau nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung…
Khát khao trở về nhà đã khiến anh Nguyễn Chí Điện đánh liều bằng việc giả mắc bệnh hiểm nghèo nên đối tượng đành chở anh đến biên giới bỏ mặc ở đó. Được sự giúp đỡ của người dân, anh Điện đã về được quê trong nước mắt của gia đình, bạn bè.
Không thể giả bệnh như anh Điện, anh Lịnh lấy hết can đảm nhảy từ tầng 3 xuống đất, sau đó vượt hàng rào điện, mò mẫm trong đêm tìm đường thoát khỏi nơi địa ngục ấy. Để có thể trở về quê, nếu không đối mặt với hiểm nguy chết người, họ còn cách duy nhất phải trả tiền chuộc từ 100 đến 200 triệu đồng. Thực tế, tại một số vùng nông thôn Cà Mau, để giải quyết khó khăn trong cuộc sống, gia đình phải ngậm ngùi tiễn chồng, con đi lao động tại Campuchia, cứ ngỡ sau vài năm quay về cuộc sống sẽ đỡ hơn. Thế nhưng, họ lại rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người, nhiều gia đình phải vay mượn, bán đất, bán nhà để có tiền chuộc người thân.
Từ những đơn cầu cứu của gia đình có người thân theo hình thức “việc nhẹ lương cao”, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố 2 vụ án, bắt tạm giam Trần Thanh Nhã (SN 2000, ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và Nguyễn Văn Vũ (SN 1978, ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”, Vũ dẫn dụ 19 người lao động tại các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp; còn Nhã dẫn dụ 5 người đưa sang Campuchia lao động trái phép. Đáng chú ý là tình trạng sau khi bị bán sang nước ngoài, được gia đình chuộc về thì một số nạn nhân lại đi dụ dỗ người quen, họ hàng đưa sang Campuchia để chia tiền lợi nhuận. Hiện, công tác đấu tranh với loại tội phạm trên còn gặp khó khăn, do tội phạm mang yếu tố nước ngoài. Thêm vào đó là tâm lý e ngại, sợ bị trả thù, nên dù trở lại quê nhưng rất ít bị hại tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng. Vì vậy, biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nhất là các vùng nông thôn được xem là một trong những biện pháp trọng tâm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn chiêu trò việc nhẹ, lương cao.
Thượng tá Trần Công Sử, Phó Thủ trưởng Thường trực cơ quan ANĐT Công an tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan Công an đang tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến vùng nông thôn, vùng sâu để bà con nắm, biết, phòng tránh; đồng thời phối hợp với các Cục nghiệp vụ (Bộ Công an) điều tra, xử lý nghiêm minh loại tội phạm này.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, hơn ai hết, người dân cần thận trọng trước thông tin “việc nhẹ lương cao” đằng sau là cạm bẫy khiến người lao động bị bóc lột, thậm chí đánh đổi cả sinh mạng nơi xứ người.
Cạm bẫy từ những lời mời hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao" Cạm bẫy từ những lời mời hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao" Trần tình của một nạn nhân bị lừa "việc nhẹ lương cao" Trần tình của một nạn nhân bị lừa "việc nhẹ lương cao"
V.Đức – H.Giang