Trang thông tin tổng hợp công an Khánh Hòa

: :
CÔNG AN NHÂN DÂN VÌ NƯỚC QUÊN THÂN, VÌ DÂN PHỤC VỤ

Nghệ sĩ cải lương sáng tạo thời dịch bệnh

Dịch COVID-19 khiến các nghệ sĩ cải lương không thể biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả, thế nhưng khi cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác lại mở ra. Tận dụng sự phát triển của công nghệ, các nghệ sĩ cải lương ở khắp mọi miền Tổ quốc đã đầu tư công sức, trí tuệ cho các MV/ Livestream có nội dung cổ vũ, động viên tinh thần chống dịch phát trên Fanpage, Youtube. Thiết nghĩ đây là cách làm sáng tạo để họ thể hiện trách nhiệm công dân khi tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

1.Những ngày đầu tháng 6 vừa qua trong căn nhà nhỏ ở phố Nguyên Hồng (Hà Nội), đạo diễn, NSƯT Lê Chức đau đáu tâm sự với tôi về sự phát triển của sân khấu cải lương nước nhà, nhất là trong mùa dịch bệnh. Ông khẳng định, đại dịch khiến các nghệ sĩ không thể biểu diễn trực tiếp trên những sân khấu lớn nhưng vào thời đại 4.0 thì việc ra một MV rồi phát trên mạng xã hội có thể còn có sức lan tỏa lớn hơn. Đại dịch nhưng các nghệ sĩ phải sáng tạo, tận dụng ưu thế của công nghệ để đưa được những sản phẩm nghệ thuật chất lượng đến với khán giả để họ “không quên” mình.

Và bản thân ông đã sáng tác bài thơ “Nụ cười và nước mắt”, sau đó được đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt (Giám đốc Sân khấu Sen Việt – TP. Hồ Chí Minh) dàn dựng thành MV cải lương đặc sắc. Đó là MV mà đạo diễn đã chủ ý dàn dựng thành 2 phiên bản Nam - Bắc do 2 tốp nghệ sĩ của 2 miền tham gia. Miền Nam có NSƯT Mỹ Hằng, Điền Trung, Lệ Trinh, Nam Thanh Phong, còn miền Bắc có NSND Thanh Hương, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Thu Trang. Mỗi MV chưa đến 20 phút nhưng các nghệ sĩ đã truyền đi thông điệp: “Nước mắt của yêu thương, sự trào rơi nơi khóe mắt mỗi người đã trở thành ý thức của khát khao cháy bỏng giành lại nụ cười trên Tổ quốc Việt Nam”.



NSƯT Lê Chức và nhóm nghệ sĩ cải lương miền Bắc thể hiện MV “Nước mắt và nụ cười”.

Cũng là một dự án tương tự như vậy, trước đó vào tháng 8-2020, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP. Hồ Chí Minh) đã ra mắt MV “Niềm tin” với sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ cải lương đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Cần Thơ… góp giọng. Đó là sản phẩm mà soạn giả Hoàng Song Việt đã lên ý tưởng và kết hợp với tác giả Lâm Viên, Phạm Văn Đằng viết lời cho những điệu lý rất quen thuộc, như: Lý kéo chài, Lý con khỉ, Lý bông trang, Lý Mỹ Trà… thành một liên khúc và nhạc sĩ Cao Minh Thu đã phối lại thành một ca khúc rất gần gũi với khán giả. Nghệ sĩ gồm đủ các thế hệ, từ NSND Lệ Thủy, NSND Thoại Miêu, nghệ sĩ Tuấn Thanh cho tới NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thoại Mỹ, rồi đến NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, Quốc Kiệt, Trinh Trinh, Trung Thảo, Võ Minh Lâm, Quang Khải…

Nghe các nghệ sĩ ở hai miền hát cũng như tâm sự của họ khi mỗi MV lên sóng, tôi đều thấy họ khẳng định: “MV thể hiện được ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ đối với xã hội, góp một tiếng nói vào đời sống, động viên những người nơi tuyến đầu chống dịch”. Nhưng điều quan trọng là dù có là nghệ sĩ miền nào thì cuối cùng cũng chỉ đọng lại cụm từ “cải lương Việt Nam” và mong muốn sân khấu cải lương nước nhà sẽ ngày càng sáng, đẹp hơn. Và trong thời điểm dịch bệnh này thì sự ra đời của MV đã thể hiện để tạo nên khí thế và tình yêu dân tộc trước những khó khăn thử thách, minh chứng cho nỗ lực chung tay của nghệ sĩ cải lương nói riêng và nghệ sĩ nói chung để động viên các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết, gắn bó tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng dịch bệnh.

2.Là một trong những địa phương có nghệ thuật cải lương rất phát triển trong khu vực phía Nam, Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau) đã biểu diễn một chập cải lương được mang tên “Mối hiểm họa” Livestream trên Fanpage của Đoàn vào tối 12-7 vừa qua. Chương trình của tác giả Thanh Bền kéo dài gần 36 phút thực sự là cách tuyên truyền sáng tạo thông qua cải lương để giúp người dân nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo chia sẻ của đạo diễn Quốc Tín, Đoàn trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm thì nhận được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Đoàn đã khẩn trương lên kế hoạch dàn dựng, tập luyện để đem đến cho khán giả “món ăn tinh thần” bổ ích trong mùa dịch.



Nhóm nghệ sĩ cải lương miền Nam thể hiện MV “Nước mắt và nụ cười”.

“Thời gian gần đây số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng không ngừng gia tăng, các chủng mới nguy hiểm dễ lây bệnh đã xuất hiện tại Việt Nam. Những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng, như: di chuyển từ vùng có dịch đến địa phương khác, trốn cách ly, nhập cảnh trái phép, không tuân thủ nguyên tắc 5K… đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Để người dân hiểu rõ hơn và nhìn nhận được những hậu quả khôn lường của tình trạng nhập cảnh trái phép, Đoàn đã lên ý tưởng cho chương trình này”, đạo diễn Quốc Tín chia sẻ.

3.Một trong những gương mặt có nhiều bài hát cải lương về đề tài COVID-19 ở miền Bắc thời gian qua là tác giả Lê Thế Song. Bài hát cải lương “Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona” của anh được NSƯT Hoàng Tùng và nghệ sĩ Xuân Hồng thể hiện khi xuất hiện trên mạng đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của khán giả. Phần lời bài hát ca ngợi công đức của các bác sĩ - những thiên thần áo trắng không quản ngại gian nguy lao lên tuyến đầu giành lại sự sống cho bao người. Với khí thế cả nước chống dịch như chống giặc, anh mong muốn chia sẻ một chút tình cảm, đồng thời thể hiện lòng ngưỡng mộ, biết ơn đội ngũ y, bác sĩ.

Không chịu đi theo lối cũ, tác giả Lê Thế Song còn viết bài hát “Bắc Ninh, Bắc Giang niềm tin chiến thắng” với sự kết hợp độc đáo của dân ca quan họ và cải lương cùng sự thể hiện đầy cảm xúc, sâu lắng và truyền cảm của NSND Tự Long và nghệ sĩ Xuân Hồng. Tác phẩm là tình yêu và niềm tin gửi gắm tới các cán bộ, chiến sĩ cùng đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch tại miền Kinh Bắc. Niềm tin ngày mai cả đất nước sẽ chiến thắng dịch họa như truyền thống ngàn năm chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Những ngày này khi TP. Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch của cả nước với hàng nghìn ca mắc mỗi ngày, tác giả Lê Thế Song đã viết hai bài ca cải lương “Thành phố nghĩa tình căng mình chống dịch” và “Thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch”. Nếu như bài hát “Thành phố nghĩa tình căng mình chống dịch” sẽ được ra mắt qua giọng hát của NSND Tự Long thì “Thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch” sẽ thu thành 2 bản, 1 bản do NSND Tự Long ca tiếng Bắc, còn 1 bản NSND Thanh Tuấn ca tiếng Nam.

4.Trong các MV cải lương về chủ đề chống dịch cũng phải kể đến clip tân cổ “Ông bà anh thời COVID-19” của NSND Bạch Tuyết khi đưa lên Youtube đã thu hút tới gần 80 nghìn lượt xem. Tác phẩm được nữ nghệ sĩ cảm tác từ ca khúc nhạc chế “Ông bà anh yêu nhau thời COVID” được viết lại lời mới trên nền nhạc ca khúc “Ông bà anh” của nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu từng gây sốt cộng đồng mạng một thời. Hay NSƯT Thúy Đạt cũng đã không chỉ biểu diễn mà còn soạn lời cho nhiều bài hát cải lương đáng chú ý, như: “Phải chiến thắng” (điệu Bắc Sơn Trà), “Quyết chiến thắng nạn Cô vít” (điệu Liễu Thuận Nương), “Mến yêu Tổ quốc mình” (điệu Khốc Hoàng Thiên).

Có thể nói, trong thời gian qua các tác giả, nghệ sĩ cải lương đã rất nhanh nhạy, kịp thời có những sáng tác và MV/ Livestream ra đời như liều “vaccine tinh thần” cùng toàn dân tham gia chống dịch với quyết tâm và khí thế cao nhất. Các nghệ sĩ đã hát bằng chính nhận thức, sự đau xót đến xé lòng của mình trước sự hoành hành của đại dịch với mong muốn từ “ngọn lửa” nhỏ âm ỉ cháy trong lòng mình sẽ chuyển sự cộng hưởng, lan tỏa làm sáng lên “ngọn lửa” nhân nghĩa, “ngọn lửa” yêu thương, “ngọn lửa” của tính trách nhiệm với vận mệnh dân tộc trong lòng người nghe.

Ngô Khiêm

Đối tượng truy nã

Thông báo

  • Tuyển dụng 02 lao động hợp đồng làm việc tại Nhà nghỉ dưỡng 378 của Công an Khánh Hòa

             Công an Khánh Hòa thông báo tuyển 02 lao động hợp đồng không xác định thời hạn hưởng lương từ ngân sách Nhà nước năm 2023; thông tin tuyển dụng cụ thể như sau:
              1.Đối tượng, tiêu chuẩn:
              Là công dân Việt Nam thường trú tại tỉnh Khánh Hòa; từ đủ 18 tuổi trở lên; đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, sức khỏe theo quy định của Bộ Công an; có văn bằng, chứng chỉ đào tạo nghề, kỹ năng nghề phù hợp với vị trí việc làm.
              2. Nhu cầu tuyển: 02 chỉ tiêu (gồm 01 phục vụ buồng, 01 thuyền phó)
              3. Vị trí làm việc: Nhà nghỉ dưỡng 378, Công an Khánh Hòa
             4. Hồ sơ đăng ký dự tuyển: (1) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động (theo mẫu của Bộ Công an); (2) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn theo yêu cầu của công việc cần tuyển; (3) Bản sao các giấy tờ có giá trị pháp lý chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên (nếu có).
              5. Thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ
              - Thời gian: Từ ngày 13/11/2023 đến ngày 13/12/2023 ( trong giờ hành chính, không nhận hồ sơ vào ngày thứ bảy, chủ nhật).
            - Địa điểm: Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Khánh Hòa ( số 80 Trần Phú, phường Lộc Thọ, Nha Trang, điện thoại: 0694401327-0983835236)./.

  • Thông báo về Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo Biểu trưng (LOGO), Khẩu hiệu (SLOGAN) và Mô phỏng ứng dụng điện tử (APP) của Bộ pháp điển Việt Nam”

             Thực hiện Kế hoạch công bố Bộ pháp điển Việt Nam (kèm theo Quyết định số 2212/QĐ-BTP ngày 15/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo Biểu trưng (LOGO), Khẩu hiệu (SLOGAN) và Mô phỏng ứng dụng điện tử (APP) của Bộ pháp điển Việt Nam”. Công an Khánh Hòa phát động, động viên, khuyến khích toàn thể cán bộ chiến sĩ hưởng ứng tham gia Cuộc thi.

  • Thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

        Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa thông báo việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tịch thu công quỹ nhà nước như sau:
        Tên người có tài sản đấu giá: Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa; địa chỉ: 80 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
        Tên tài sản bán đấu giá: Tài sản bán đấu giá tang vật bị tịch thu sung quỹ nhà nước là 08 m3 đất với giá 560.000 đồng ( Năm trăm sáu mươi ngàn đồng).
        Tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản:
        - Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá;
        - Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả;
        - Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản;
        - Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp;
        - Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.
        Thời gian, địa điểm nộp hồ sơn đăng ký tham gia tổ chức đấu giá:
        Các tổ chức đấu giá tài  sản đủ điều kiện với các tiêu chí nêu trên nộp hồ sơ từ ngày 29/9/2023 đến hết ngày 08/10/2023 tại Phòng Cảnh sát kinh tế; địa chỉ: 80 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
    Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa thông báo để các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến liên hệ nộp hồ sơ tham gia tổ chức đấu giá./.

Liên kết Website