Sáng 11/6, Bộ Công an tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Luật PCCC&CNCH và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối đến Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Công an tỉnh Khánh Hoà có sự tham dự của Đại tá Trần Minh Trúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo UBND cấp huyện và lãnh đạo UBND cấp xã trọng điểm về PCCC trên địa bàn TP. Nha Trang.
Toàn cảnh Hội nghị
Đại tá Trần Minh Trúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh tham dự Hội nghị tại điểm cầu Công an Khánh Hòa
Tại hội nghị, Cục Cảnh sát PCCC đã phổ biến các nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật PCCC&CNCH; Nghị định số 105/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC & CNCH; Nghị định 106/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực PCCC & CNCH; Thông tư số 36/TT-BCA ngày 15/5/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC&CNCH và Nghị định số 105/2025/NĐ-CP; Thông tư số 37/TT-BCA ngày 15/5/2025 quy định về nhiệm vụ công tác PCCC, CNCH của lực lượng CAND; Thông tư số 38/TT-BCA ngày 15/5/2025 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác PCCC, CNCH của lực lượng CAND.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị
Luật PCCC & CNCH (Luật số 55/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2024. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 gồm 88 chương, 55 điều, quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Luật PCCC & CNCH có 13 điểm mới so với Luật PCCC hiện hành, gồm:
1.Bổ sung quy định cụ thể các hoạt động CNCH trong văn bản Luật;
2. Bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động PCCC&CNCH;
3. Bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn yêu cầu về PCCC khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn;
4. Điều chỉnh các quy định của Luật hiện hành liên quan đến hoạt động thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC;
5. Bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh;
6. Quy định cụ thể về PCCC điện trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh;
7. Bổ sung các quy định cụ thể, bao quát hơn về hoạt động chữa cháy;
8. Bổ sung các quy định nhằm xây dựng và củng cố lực lượng CC & CNCH;
9. Sửa đổi các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ PCCC;
10. Bãi bỏ các quy định liên quan đến quản lý phương tiện PCCC;
11. Bổ sung các quy định bao quát, cụ thể hơn về chế độ chính sách đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy và CNCH và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH;
12. Bổ sung quy định về việc xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC & CNCH có hiệu lực thi hành;
13. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC & CNCH.
Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Luật PCCC và CNCH mới được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, khoảng trống pháp lý còn tồn tại trong Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến đề nghị lãnh đạo các ngành nhanh chóng tiếp thu, triển khai những nhiệm vụ mới; đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo UBND cấp xã chú ý đến trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC & CNCH được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật. Qua đó góp phần để Luật PCCC & CNCH cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành được triển khai bài bản, đồng bộ, không bị gián đoạn.