Bổ sung quy định “Cơ quan Công an có thẩm quyền tiến hành xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ tại Việt Nam”

25/04/2025
0 Lượt xem

Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV gồm 05 chương và 45 điều. So với Luật Tương trợ tư pháp (TTTP), trong lĩnh vực dẫn độ, dự thảo Luật có bổ sung nhiều điểm mới, trong đó có quy định về “Dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài” là một trong những nội dung đáng chú ý.

Theo dự thảo Luật, hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam phải đáp ứng điều kiện tương tự như hồ sơ yêu cầu dẫn độ của Việt Nam gửi đi nước ngoài.

Về tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam và xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ, cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung quy định về Cơ quan Công an có thẩm quyền tiến hành xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ tại Việt Nam. Việc xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ tại Việt Nam đã được quy định cụ thể trong (Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật Công an nhân dân và các luật khác có liên quan, do đó, trong Luật này không quy định lại.

Về thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam, cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung nội dung “Trên cơ sở ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an có thể đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy quyết định thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ”.

Đối với quyết định dẫn độ cho nước ngoài, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra một trong các quyết định sau đây: Quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ; Quyết định đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ. Tòa án nhân dân cấp tỉnh mở phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ. Thời hạn ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ đã được rút ngắn hơn so với Luật TTTP, phù hợp chính sách đã được thông qua trong Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách.
 

Đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam, Hàn Quốc tham gia bàn giao đối tượng Kim Kwang Pil vào ngày 21/11/2024 tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, đối với kháng cáo, kháng nghị quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn độ, cụ thể, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dẫn độ và kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp cao mở phiên họp xem xét, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. Quy định này liên quan đến việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp cao trong việc phúc thẩm quyết định dẫn độ.

Về xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người, cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung quy định “Trường hợp yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người mà yêu cầu dẫn độ sau được gửi đến khi Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước thì Bộ Công an đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền đó hủy quyết định đã thụ lý theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật này và trả lại hồ sơ yêu cầu dẫn độ đã thụ lý cho Bộ Công an để tiếp tục xem xét, quyết định”. Quy định này được bổ sung sẽ giải quyết được nhiều tình huống khác phát sinh trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, cần thiết phải hủy quyết định thụ lý.

Về các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ, dự thảo Luật quy định để đảm bảo thực hiện yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại BLTTHS. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được thực hiện khi nước ngoài chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức đến Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại  khoản 1 Điều 31 của Luật này. Đây là quy định được kế thừa từ Điều 502 BLTTHS.

Đối với trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 BLTTHS, nếu nước yêu cầu cung cấp đủ thông tin và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết.
 

Đại diện Bộ công an Việt Nam tiến hành bàn giao phạm nhân Nikolaenko Galina (nữ - áo đen/trắng) cho Cơ quan Thi hành án hình sự Liên bang Nga vào ngày 27/02/2025.

Văn bản yêu cầu bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ sẽ gồm các nội dung chính như: Lý do và mục đích của yêu cầu; Thông tin về nhân thân, nơi cư trú của người bị yêu cầu; Thông tin về tội danh bị nêu trong yêu cầu và khung hình phạt áp dụng đối với người bị yêu cầu hoặc thời gian còn lại người bị yêu cầu phải thi hành án; Tóm tắt nội dung vụ án là căn cứ đưa ra yêu cầu; Cam kết gửi yêu cầu dẫn độ chính thức sau đó; Cam kết bồi thường thiệt hại trong trường hợp có oan, sai đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định “Trường hợp nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về dẫn độ với Việt Nam yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ thì trình tự, thủ tục bắt khẩn cấp để dẫn độ được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam”.

Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật TTTP. Quy định này được xây dựng góp phần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, dự phòng cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong BLTTHS trong thời gian sắp tới; phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Về dẫn độ đơn giản, dự thảo Luật quy định trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đồng ý bằng văn bản với việc bị dẫn độ về nước ngoài thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét áp dụng thủ tục dẫn độ đơn giản. Trình tự, thủ tục áp dụng thủ tục dẫn độ đơn giản được thực hiện như sau: Tòa án nhân dân thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ; Tòa án nhân dân phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan có thẩm quyền xác minh sự đồng ý bị dẫn độ; Tòa án nhân dân phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân mở phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ. Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật TTTP.
 

Đại diện Bộ Công an hai nước Việt Nam và Lào đang tiến hành các thủ tục có liên quan tại Cửa khẩu quốc tế Nặm-phạo, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bo-ly-khăm-xay, Lào.

Về thi hành quyết định dẫn độ, dự thảo Luật quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định dẫn độ của Tòa án nhân dân có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định thi hành quyết định dẫn độ. Sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định dẫn độ, Cơ quan Công an có thẩm quyền tiến hành bắt người bị dẫn độ theo quy định tại Điều 113 BLTTHS.

Về hoãn dẫn độ và tiếp tục thi hành quyết định dẫn độ, cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ, phù hợp với các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký với các nước.

Đối với quy định dẫn độ tạm thời, cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ, phù hợp với các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký với các nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định về từ chối dẫn độ cho nước ngoài, cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sungmột số trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ như: Người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị hoặc vì lý do khác; Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của BLHS; bổ sung trường hợp có thể từ chối dẫn độ, bao gồm tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự.

Về xử lý trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài trong các trường hợp khác, dự thảo Luật quy định “Trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài những người không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này, trên cơ sở đề nghị của nước ngoài, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể xem xét áp dụng thủ tục được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này”. Việc bổ sung quy định này bảo đảm tránh bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.  

Hồng Giang

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

0 (0)

Chia sẻ:

Tìm kiếm
Từ khóa:
Danh mục:
Ngày đăng:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập

Số người online: 28

Đã truy cập: 479165

Tương tác công dân

© Bản quyền thuộc về Công An tỉnh Khánh Hòa

Thiết kế và phát triển bởi SweetSoft

server-notice