Theo đó, để khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay khi Luật PCCC hiện hành đang giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực thi hành; tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải được bổ sung bằng các quy định mới để tạo cơ sở pháp lý thực hiện bảo đảm tính khả thi.
Dự thảo Luật quy định theo hướng giao UBND cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý; giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn PCCC cho các công trình không bảo đảm yêu cầu PCCC thuộc thẩm quyền quản lý; giao người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
Điều 58 của dự thảo Luật quy định:
"Điều 58. Xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành
Đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động thì thực hiện theo quy định sau đây:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện việc phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.
2. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện và báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trước khi đưa vào hoạt động và phải duy trì giải pháp kỹ thuật đã áp dụng trong suốt quá trình hoạt động.
4. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
5. Giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực có các công trình xây dựng không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, phòng cháy và chữa cháy.
6. Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này."