Trong những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng bằng nhiều loại hung khí và vũ khí nguy hiểm đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp và đáng lo ngại. Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng dao, kiếm, tuýp sắt, rựa, bom xăng, nhiều nhóm còn mang theo súng tự chế, súng hơi, súng bút… là vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, để giải quyết mâu thuẫn, nhằm thể hiện bản thân hoặc tham gia các băng nhóm tự phát. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây mất trật tự, đe dọa trực tiếp đến an toàn xã hội, gây bất an trong nhân dân.

Điều đáng quan tâm là phần lớn đối tượng trong các vụ việc gần đây đều còn rất trẻ, ở độ tuổi học sinh, từ 13 đến 17 tuổi. Các em hành động bộc phát, thiếu kiểm soát cảm xúc, dễ bị bạn bè lôi kéo, tác động từ các hình ảnh bạo lực, giang hồ mạng trên Internet, mạng xã hội. Một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay bị ảnh hưởng bởi trào lưu lệch chuẩn, xem việc sử dụng vũ khí là chuẩn mực thể hiện thái độ “giang hồ” là cách khẳng định cá tính hay “đẳng cấp”.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này rất đa dạng, song nổi bật là sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc giáo dục, định hướng hành vi; sự hạn chế của chương trình giáo dục pháp luật trong trường học; và môi trường xã hội còn nhiều yếu tố tiêu cực. Nhiều em lớn lên trong những gia đình thiếu nền tảng ổn định, bị bỏ mặc hoặc chịu ảnh hưởng tâm lý do cha mẹ ly hôn, mâu thuẫn… Trong khi đó, các kênh thông tin độc hại, các hội nhóm tự phát, cùng sự buông lỏng quản lý từ cộng đồng, địa phương là những điều kiện khiến các hành vi lệch chuẩn ngày càng gia tăng.
Trước thực trạng này, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía. Trước hết, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép, cả trên mạng lẫn ngoài xã hội. Bên cạnh đó, cần đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong học đường theo hướng sinh động, dễ hiểu, gần gũi và sát thực tế; kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh để giúp giới trẻ phát triển toàn diện. Đặc biệt, gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ, tạo nên một môi trường giáo dục ba chiều tích cực. Mỗi bậc phụ huynh cần quan tâm, đồng hành cùng con trẻ; nhà trường cần tăng cường quản lý và giáo dục; các đoàn thể, chính quyền cơ sở cần phát hiện sớm và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với các dấu hiệu lệch chuẩn của học sinh, thanh thiếu niên. Đồng thời, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để tăng tính răn đe, giáo dục chung trong cộng đồng.
Tình trạng thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng bằng vũ khí nguy hiểm là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp trong nhận thức, đạo đức, pháp luật ở một bộ phận giới trẻ. Nếu không được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời, hậu quả để lại sẽ vô cùng nghiêm trọng, không chỉ đối với bản thân các em mà còn đối với an ninh, trật tự xã hội. Mỗi gia đình, mỗi trường học, mỗi người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước – trước những cám dỗ và lệch chuẩn nguy hiểm của xã hội hiện đại./.
Mạc Vân