Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương, là điểm tựa tinh thần cho mỗi con người. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, bạo lực gia đình đang là một vấn nạn nhức nhối, âm thầm diễn ra trong không ít gia đình, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho cả nạn nhân và xã hội.
Bạo lực gia đình đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Ngày nay, khi chúng ta đang chung tay xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thì đâu đó tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức. Vì vậy, mỗi công dân cần phải nhận thức rõ và đấu tranh để hạn chế tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình trong xã hội văn minh.
* Có thể nhận diện bạo lực gia đình qua những hình thức chủ yếu sau:
- Bạo lực về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
- Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
- Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lao động…).
- Bạo lực về tình dục: là tất cả các hành vi mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con. Bạo lực về tình dục là vấn đề khá tế nhị, người ta thường hay giấu nhưng nó xảy ra khá nhiều và gây hậu quả làm đổ vỡ gia đình.

* Đối tượng bạo lực và bị bạo lực: Mọi người đều có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình, tuy nhiên đối tượng dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Bạo lực giữa vợ, chồng với nhau, bạo lực giữa cha mẹ và con cái, bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình.
Để phòng, chống bạo lực gia đình, mỗi người dân chúng ta cần:
- Tôn trọng, lắng nghe và đối thoại trong gia đình – thay vì dùng vũ lực, hãy chọn cách yêu thương và chia sẻ.
- Không im lặng trước bạo lực – nếu biết hoặc chứng kiến bạo lực gia đình, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương, công an, hội phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội để được hỗ trợ kịp thời.
- Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, học tập Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
- Nam giới hãy là người tiên phong trong việc lan tỏa hình ảnh người chồng, người cha mẫu mực – bởi yêu thương là nền tảng của một mái ấm vững bền.

Bạo lực gia đình không phải là chuyện riêng trong nhà! Đó là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, cần được lên án và xử lý nghiêm minh. Nếu các bạn hoặc người thân đang gặp nguy hiểm, hãy gọi ngay đến đường dây nóng bảo vệ phụ nữ và trẻ em 111 hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ. Hãy chung tay cùng nhau nói KHÔNG với bạo lực gia đình, xây dựng một cộng đồng an toàn, công bằng và tràn đầy tình thương!
Mạc Vân