Bước 1: Tiếp nhận đơn khiếu nại
Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng phòng và Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an tỉnh theo Điều 20 Luật Khiếu nại năm 2011; khoản 3, khoản 4, Điều 4 Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an, người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại theo hình thức khiếu nại được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Luật Khiếu nại năm 2011. Đơn khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011.
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp, người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.
Bước 2: Thụ lý giải quyết khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. Trường hợp không thụ lý giải quyết phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
Trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại năm 2011, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm:
+ Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay, không cần phải tiến hành xác minh, kết luận theo trình tự quy định.
+ Trường hợp cần phải tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình xác minh hoặc giao cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình tiến hành xác minh nội dung khiếu nại.
Việc xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Khiếu nại năm 2011; Mục 2 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 và quy định tại Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại. Việc xác minh thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 29 của Luật Khiếu nại năm 2011; Mục 2 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 và quy định tại Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân.
Bước 4: Tổ chức đối thoại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại.
Khi đối thoại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nêu rõ nội dung cần đối thoại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến việc khiếu nại và yêu cầu của mình.
Việc đối thoại được lập thành biên bản ghi đầy đủ nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, những nội dung còn có ý kiến khác nhau và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do, biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần hai thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Khiếu nại năm 2011 và Điều 28 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011.
Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định sau:
Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính lần đầu được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Khiếu nại năm 2011; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 40 Luật Khiếu nại năm 2011.
Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thực hiện theo Mẫu số 15; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai được thực hiện theo Mẫu số 16 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bước 6: Công khai quyết định giải quyết khiếu nại
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức sau:
a) Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác.
b) Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan tổ chức đã giải quyết khiếu nại. Thời gian niêm yết quyết định giải quyết khiếu nại ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
c) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
|