Để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBV ANTQ) phát huy hiệu quả và ngày càng lan toả sâu rộng, Công an tỉnh Tây Ninh đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, ngày càng phát huy hiệu quả. Qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn khu dân cư.
Thượng tá Nguyễn Hai Mừng, Trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, ngay từ đầu năm 2024, đơn vị chủ động tham mưu kế hoạch cho Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBV ANTQ tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương rà soát, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình hiện có, đồng thời xây dựng mới những mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
|
Các đồng chí lãnh đạo dự “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2024 ở xã Chà Là (tỉnh Tây Ninh). |
Công an tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo củng cố, nâng cao hiệu quả 25 loại mô hình hiện có trên địa bàn tỉnh. Các mô hình đều có Quyết định thành lập của cấp ủy, chính quyền địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, có quy chế hoạt động của từng mô hình. Sau một thời gian triển khai, các mô hình hoạt động rất hiệu quả như: “Tổ dân cư tự quản”, “Vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm ở địa bàn khu dân cư”, “Camera phòng, chống tội phạm”, “Tái hòa nhập cộng đồng đối với tù tha, đặc xá” (“4+1”), “An toàn về phòng cháy, chữa cháy”, “Giáo xứ an toàn về ANTT”, “Họ đạo Cao Đài tham gia giữ gìn ANTT”, “Tăng, Ni, Phật tử tham gia phong trào TDBVANTQ”, “Đồng bào dân tộc Chăm/Khmer tham gia giữ gìn ANTT”, “Tổ công nhân tham gia giữ gìn ANTT”, “Vận động giáo viên, học sinh tự phòng, tự quản về ANTT”…
Nhờ đó, thành viên các mô hình đã cung cấp hàng trăm tin giá trị, giúp lực lượng Công an bắt 2 đối tượng vượt biên trái phép, 3 đối tượng tàng trữ chất ma túy, 12 đối tượng đá gà, ăn tiền, 1 vụ buôn lậu thuốc lá; xử lý hàng nghìn vụ việc về ANTT, quản lý, giáo dục đối tượng tù tha, đặc xá, thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng tại cộng đồng dân cư; hòa giải thành công hàng trăm vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; giới thiệu việc làm cho 85 người tái hòa nhập cộng đồng, chấp hành tốt pháp luật, không tái phạm.
Anh Nguyễn Hữu Cần, Chủ tịch Công đoàn Công ty, thành viên Ban điều hành Mô hình “Tổ công nhân tuyên truyền phòng chống tội phạm” tại Công ty TNHH PouHung Việt Nam (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, mô hình “Tổ công nhân tuyên truyền phòng, chống tội phạm” vừa được Bộ Công an thông báo nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Mô hình đã giúp lực lượng công nhân, người lao động tiếp nhận nhanh, kịp thời những thông tin, tài liệu do lực lượng Công an cung cấp; tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp 06 cuộc với hơn 2.100 lượt công nhân tham gia về phòng, chống tội phạm; bảo vệ môi trường. Quá trình hoạt động, thành viên mô hình cung cấp cho lực lượng Công an 33 tin, trong đó 28 tin có giá trị, giúp lực lượng Công an kịp thời giải quyết, ngăn chặn 06 vụ, với 16.500/65.000 lượt công nhân có dấu hiệu ngừng việc, lãn công tại các xưởng, bắt 23 vụ, 39 đối tượng trộm cắp tài sản, đánh bạc…
Ở mô hình khác, Công an tỉnh đã hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp củng cố, kiện toàn Ban điều hành mô hình “Tổ dân cư tự quản” ở địa phương. Mô hình này là mô hình đặc thù, có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Hiện nay có 8.635 Tổ tự quản, cứ mỗi Tổ có từ 30 - 40 hộ gia đình, trên cơ sở liền canh, liền cư; mỗi Tổ có 1 Tổ trưởng và 1 Tổ phó; mỗi Tổ được xây dựng 1 nhóm Zalo, đại diện mỗi hộ gia đình là thành viên của nhóm Zalo, cơ cấu Lực lượng ANTT cơ sở vào nhóm Zalo để tiếp nhận và xử lý thông tin do thành viên mô hình cung cấp.
Bà Nguyễn Thị Điệp, Tổ trưởng Tổ dân cư tự quản số 2, ấp Tân Lập, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh cho biết, để duy trì hoạt động có hiệu quả của Tổ thời gian qua, bà Điệp đã đến từng hộ gia đình vào các khung giờ có đầy đủ thành viên để tuyên truyền và mời tham gia các cuộc họp của Tổ; luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân trong Tổ, nhất là các hộ gia đình người Tà Mun. Qua đó, nhân dân trong Tổ đã luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động của địa phương, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhân dân trong Tổ tự nguyện đóng góp ủng hộ hơn 10 triệu đồng, hiến đất trị giá hơn 1,5 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ 5 triệu đồng làm đường cờ Tổ quốc; Nhân dân trong Tổ thực hiện tốt nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường, tạo sự đoàn kết, hòa thuận trong khu dân cư.
Ngoài những mô hình hoạt động hiệu quả tiếp tục được duy trì, trong năm 2024, Công an thành phố Tây Ninh cũng chủ động xây dựng mới mô hình “Vận động người bán vé số tham gia giữ gìn an ninh, trật tự”. Mô hình này tập trung tuyên truyền trong những người bán vé số tự phòng, tự quản về ANTT, đồng thời kịp thời cung cấp những thông tin có liên quan đến ANTT cho lực lượng Công an.
Thông qua hoạt động các mô hình phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh đã góp phần rất lớn trong công tác phòng ngừa xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Thượng tá Nguyễn Hai Mừng, Trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian tới, để duy trì và tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình phong trào TDBV ANTQ trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an các cấp sẽ tập trung làm tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể, địa phương, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác xây dựng phong trào TDBV ANTQ, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng mô hình phong trào phải đảm bảo thiết thực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng đơn vị, địa phương nhằm phát huy hiệu quả cao nhất, từ đó huy động đông đảo người dân, cán bộ, công nhân viên, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia. Kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả và đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế thiếu sót hoặc cho kết thúc những mô hình không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Thông qua Ban điều hành các mô hình vận động đông đảo nhân dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới; vận động từng hộ gia đình ký cam kết tham gia xây dựng ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” theo Thông tư 124 của Bộ Công an; tích cực tham gia thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng 03 Công an phường kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị; công tác xây dựng xã, phường, thị trấn với tiêu chí “03 không, 03 có” tại 11 đơn vị cấp xã được Công an tỉnh chọn làm điểm thực hiện từ năm 2024 (3 không: không có tội phạm về ma túy; không có tai nạn giao thông gây chết người; không có cháy, nổ gây chết người; 03 có: có triển khai đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên về công tác đảm bảo ANTT, xây dựng đảng, xây dựng lực lượng CAND; có hồ sơ quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm, nhất là đối tượng hình sự, ma túy, cờ bạc; có phong trào TDBV ANTQ đạt hiệu quả, thiết thực). Tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả Tổ công tác đặc biệt (Tổ 369) để góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh…