Từ ngày 17/3/2025, người dân toàn quốc đã có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trên ứng dụng VNeID. Việc đăng ký thường trú, tạm trú qua ứng dụng VNeID cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện, giúp người dân tự chủ trong việc quản lý thông tin cá nhân, cập nhật nơi cư trú của mình.
Để có thể đăng ký thường trú, tạm trú thông qua ứng dụng VNeID, người dân cần phải tải hoặc cập nhật ứng dụng lên phiên bản mới nhất qua kho ứng dụng (Kho ứng dụng Appstore đối với máy dùng hệ điều hành IOS; kho ứng dụng Google play đối với máy dùng hệ điều hành Android). Quy trình thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trên ứng dụng VNeID cụ thể như sau:
Bước 1: Truy cập chức năng
Công dân thực hiện đăng nhập tài khoản VNeID → Chọn Thủ tục hành chính → Chọn Đăng ký tạm trú hoặc Đăng ký thường trú tại danh sách hiện ra.

Màn hình chọn chức năng Thủ tục hành chính
Bước 2: Xác thực passcode hoặc xác thực bằng vân tay (Touch ID)/ khuôn mặt (Face ID). Công dân cần nhập đúng passcode hoặc thực hiện xác thực bằng vân tay/ khuôn mặt.

Màn hình nhập passcode; xác thực bằng vân tay, khuôn mặt
Lưu ý: Công dân không nhớ passcode nhấn Quên passcode để thực hiện thiết lập lại passcode; nhập sai passcode quá 5 lần sẽ bị khoá passcode sang ngày hôm sau.
Bước 3: Khai thông tin
Tại màn Đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú, nhấn Tạo mới yêu cầu vào phần Đăng ký thường trú/tạm trú cho bản thân hoặc Khai hộ.
Màn hình nhấn Tạo mới yêu cầu, chọn đối tượng đăng ký cư trú
Bước 4: Kiểm tra thông tin đăng ký thường trú/tạm trú.
Công dân có thể lựa chọn loại hình đăng ký tạm trú là lập hộ mới hoặc đăng ký vào hộ đã có sẵn.
Sau đó chọn hình thức xác nhận đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, cha/mẹ/người giám hộ thông qua ứng dụng VNeID hoặc Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (CT01).
Tiếp theo điền họ và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp.
Màn hình nhập thông tin đối với trường hợp đăng ký vào hộ đã có và xin xác nhận qua VNeID; trường hợp đăng ký lập hộ mới và Xin xác nhận bằng văn bản giấy
Bước 5: Chọn nơi đăng ký
Chọn thông tin nơi đề nghị đăng ký tạm trú từ cấp tỉnh, quận/huyện đến xã/phường/thị trấn. Tại đây người dân cần điền thông tin chi tiết địa chỉ tạm trú/thường trú của mình gồm số nhà, số đường, mối quan hệ với chủ hộ.

Màn hình nhập thông tin người đề nghị thường trú và thông tin nơi thường trú, tạm trú
Nếu có thành viên khác trong gia đình cùng đăng ký tạm trú/thường trú, người dân chọn Thêm thành viên và điền các thông tin theo yêu cầu.

Màn hình nhập thông tin thành viên thay đổi cùng
Bước 6: Xác nhận thông tin hồ sơ
Sau khi đã điền đủ thông tin theo hướng dẫn, người dân sẽ xác nhận lại các thông tin, nếu cần chỉnh sửa chỉ cần ấn phím mũi tên quay lại ở góc trái phía trên màn hình. Trước khi gửi hồ sơ, công dân cần đính kèm giấy tờ có liên quan: Hợp đồng thuê nhà; Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp; Tờ khai thay đổi thông tin về cư trú (CT01).
Ứng dụng cho phép lựa chọn nhận kết quả qua email hoặc nhận trực tiếp tại công an xã/phường nơi đăng ký tạm trú.

Màn hình nhập thông tin thành viên thay đổi cùng
VNeID sẽ hiển thị lại thông tin người dùng đã khai báo và đăng ký để kiểm tra. Nếu các thông tin được khai là chính xác, bạn kéo xuống dưới, đánh dấu vào tùy chọn 'Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm về lời khai của mình', sau đó nhấn nút 'Gửi hồ sơ'.

Màn hình chọn đối tượng nộp lệ phí và cam kết lời khai
Bước 7: Nộp lệ phí (Trường hợp công dân không mất lệ phí đăng ký thường trú/tạm trú thì bỏ qua bước này)
Công dân xác nhận thanh toán phí hồ sơ, xác nhận chia sẻ dữ liệu để thực hiện thanh toán.

Màn hình xác nhận thanh toán phí hồ sơ; xác nhận chia sẻ thông tin
Công dân có thể thanh toán bằng thẻ nội địa, tài khoản ngân hàng hoặc mã QR.

Màn hình nhập thông tin thanh toán chi phí hồ sơ
Người dân cũng có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, quản lý hồ sơ đã nộp ngay trên ứng dụng VNeID bằng cách truy cập chức năng Đăng ký thường trú/Đăng ký tạm trú nhấn Lịch sử yêu cầu.

Màn hình nhập thông tin thanh toán chi phí hồ sơ
Chú ý:
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú. Công dân đăng ký thường trú khi có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình hoặc chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng được chủ hộ hoặc chủ sở hữu hợp pháp đó đồng ý cho phép đăng ký thường trú (chẳng hạn vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con cái ở với cha mẹ…).
Tạm trú là nơi công dân sinh sống từ 30 ngày trở lên ngoài nơi thường trú của mình và đã được đăng ký tạm trú. Thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 02 năm và có thể được gia hạn nhiều lần./.