Trong dịp lễ 30/4 tại Việt Nam, nhu cầu mua sắm trực tuyến, đặt vé máy bay, phòng khách sạn và các dịch vụ du lịch tăng cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet càng trở nên tinh vi và phổ biến hơn. Để bảo vệ bản thân và gia đình, việc nhận biết và cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo là vô cùng quan trọng.
1. Giả Mạo Website và Ứng Dụng

Các đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website và ứng dụng giả mạo giống hệt với những trang web uy tín để gọi điện yêu cầu người dung cài đặt, truy cập ứng dụng, trang Web từ đó lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và đánh cắp tài sản, thông tin cá nhân quan trọng. Các trang Web này thường có liên kết hoặc quảng cáo hấp dẫn, thu hút người dùng nhấp vào. Trong dịp nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm trực tuyến thường tăng cao và đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo hoạt động mạnh mẽ hơn. Chúng giả mạo các trang web bán hàng uy tín, cung cấp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm lừa đảo người mua hàng. Người dân cần kiểm tra kỹ nguồn gốc của trang web, độ tin cậy của trang web, sàn thương mại điện tử trước khi quyết định mua sắm.
2. Email Lừa Đảo (Phishing Email)

Email lừa đảo là một trong những thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay, các đối tượng xấu sẽ gửi email giả danh từ các tổ chức, doanh nghiệp uy tín yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc nhấp vào liên kết đính kèm. Các email này thường có nội dung khẩn cấp hoặc giả mạo hình thức như email về công việc, thanh toán, khiến người nhận dễ mất cảnh giác.
3. Tin Nhắn SMS Lừa Đảo

Ngoài email, các tin nhắn SMS lừa đảo cũng là một thủ đoạn phổ biến. Các đối tượng lừa đảo sẽ gửi tin nhắn chứa liên kết độc hại hoặc yêu cầu người dùng gọi đến số điện thoại giả để lừa đảo. Các tin nhắn này thường có nội dung trúng thưởng, khuyến mãi lớn hoặc yêu cầu xác nhận thông tin.
4. Giả Mạo Dịch Vụ Khách Hàng

Các đối tượng lừa đảo thường xuyên giả danh nhân viên dịch vụ khách hàng của ngân hàng, công ty viễn thông hoặc các dịch vụ trực tuyến khác để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc chuyển khoản tiền. Họ thường gọi điện hoặc nhắn tin với nội dung khẩn cấp, yêu cầu xử lý ngay lập tức. Người dân cần hết sức cảnh giác trước các cuộc gọi khi được yêu cầu thực hiện các nội dung trên, mọi giao dịch chuyển tiền, cung cấp thông tin phải được thực hiện trực tiếp tại trụ sở cơ quan, công ty, ngân hàng...
5. Lừa Đảo Qua Mạng Xã Hội

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng mạng xã hội để tạo ra các tài khoản giả mạo người thân, bạn bè hoặc các trang fanpage, nhóm cộng đồng nhằm tiếp cận và lừa đảo người dùng. Các chiêu trò thường gặp bao gồm yêu cầu chuyển tiền, gửi mã OTP hoặc tham gia các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng giả mạo.
Khi phát hiện các hành vi lừa đảo hoặc có nghi ngờ về các hoạt động lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với các cơ quan chức năng như công an, các tổ chức tài chính để được hỗ trợ kịp thời. Việc báo cáo sớm không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn các đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4, để KHÔNG trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet, người dân cần luôn cảnh giác và kiểm tra kỹ thông tin trước khi cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào. Không nhấp vào các liên kết hoặc tải về các tệp đính kèm từ các nguồn không rõ ràng, và luôn sử dụng các biện pháp bảo mật như xác thực hai yếu tố, phần mềm diệt virus đáng tin cậy. Hãy bảo vệ bản thân và gia đình trước những chiêu trò lừa đảo công nghệ, tận hưởng kỳ nghỉ vui vẻ và an toàn.
Phòng ANM và PCTP sử dụng CNC