Tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành; đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV năm 2025. Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự là cần thiết, là yêu cầu cấp thiết, khách quan để bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức.
Cơ sở chính trị, pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân.
Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự được xây dựng dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý sau:
- Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Tích cực đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm sử dụng công nghệ cao…”;
- Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong đó đưa ra nhiệm vụ “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm…”;
- Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó Đảng đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân”;
- Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong Nghị quyết này Đảng ta chỉ rõ cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn nhân lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; đồng thời, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến kích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề mới thực tiễn đặt ra, có chính sách miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan;
- Chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đề án “Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù” (theo thông báo tại Công văn số 13936-CV/VPTW ngày 25/3/2025 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương), trong đó chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Bộ luật Hình sự theo hướng tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình; ngoài những nội dung liên quan đến tử hình, cần rà soát lại những quy định khác trong Bộ luật Hình sự hiện nay đang bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến vào tháng 5/2025) thông qua.
Đây là những định hướng quan trọng cho việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự nhằm thể chế hóa quan điểm mới của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới.
Cơ sở thực tiễn
Qua tổng kết 08 năm thi hành, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã góp phần quan trọng trong quản lý xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của tổ chức, của Nhà nước và của công dân. Tuy nhiên, sau hơn 08 năm thi hành, tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt nên quy định của Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:
a) Một số quy định chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
- Đối với các tội danh có định lượng là tiền làm căn cứ định tội, định khung tăng nặng hoặc có hình phạt tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 không phù hợp với mức lương cơ sở, thu nhập bình quân đầu người và đời sống Nhân dân hiện nay.
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội: theo quy định tại khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ đối với 25 tội danh, tuy nhiên, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi phạm tội như nêu trên là không phù hợp với diễn biến của tình hình tội phạm, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do vậy, cần phải nghiên cứu mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội đối với một số tội danh khác cho phù hợp với thực tiễn.
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại: theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh, tuy nhiên, qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm một số tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện thì phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại như nêu trên là không phù hợp mà cần nghiên cứu mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đối với một số tội phạm khác đặc biệt là tội phạm về kinh tế, môi trường...
b) Các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập
- Các mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình còn gặp khó khăn trên thực tế. Ví dụ: các tội sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy tại khoản 4 Điều 248, Điều 250, Điều 251 Bộ luật Hình sự đều quy định phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu khối lượng ma túy từ 100 gam Heroine, Cocaine, Mathaphetamine,... trở lên.
- Hiện nay, việc áp dụng khung hình phạt chung thân hoặc tử hình còn bất cập, trong nhiều trường hợp, căn cứ tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, nếu phạt chung thân thì quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe, tuy nhiên, nếu phạt tử hình lại quá nặng, không phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước về hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình trên thực tế.
- Theo quy định Bộ luật Hình sự hiện hành còn 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình; đồng thời, thực tiễn thời gian qua Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”… hoặc ít áp dụng như: Tội “Tham ô tài sản, nhận hối lộ”…
- Về phạm vi không áp dụng hình phạt tử hình
Trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu là những căn bệnh như một bản án tử hình nhưng vẫn phải tạm giam kết hợp điều trị tích cực để chờ thi hành án mà chưa có quy định không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình với những đối tượng này.
- Về thời hiệu thi hành án tử hình
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định cụ thể về thời hiệu thi hành bản án tại Điều 60, theo đó khi hết thời hạn quy định, người bị kết án không phải chấp hành về bản án đã tuyên, đối với các trường hợp xử phạt tử hình thì thời hiệu thi hành bản án là 20 năm. Nhưng Bộ luật không có quy định sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình có được chuyển xuống hình phạt khác như: tù chung thân, phạt tù có thời hạn hay được trả tự do và chưa có thủ tục chuyển hình phạt. Thực tế, có 17 bị án bị giam hơn 15 năm nhưng vẫn chưa được thi hành án, gây lúng túng cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 1999 hay Điều 60 Bộ luật Hình sự hiện hành, cho hay không cho các bị cáo hưởng thời hiệu.
c) Một số quy định khác của Bộ luật Hình sự còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng
- Một số quy định còn quá nghiêm khắc; mức định lượng tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung cơ bản, định khung hình phạt chưa phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với thời gian trước đây, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, dẫn đến các hành vi dễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa thể hiện được tính chất khoan hồng, nhân đạo. Chưa có cơ chế để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW;...
- Thực tiễn thi hành cho thấy một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa được quy định là tội phạm: hành vi “xả nước thải sản xuất ra môi trường với lưu lượng rất lớn nhưng lượng nước thải này không có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quy định tại Điều 235 tội gây ô nhiễm môi trường”... Đồng thời, nhiều quy định về trách nhiệm hình sự còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chưa phù hợp với tình hình, diễn biến của tội phạm, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chưa góp phần giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong xã hội...
Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cho phù hợp với thực tiễn góp phần nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, ngày 25/3/2025, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương có Công văn số 13936-CV/VPTW thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về chủ trương tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình, ngoài những nội dung liên quan đến tử hình, cần rà soát lại những quy định khác trong Bộ luật Hình sự hiện nay đang bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến vào tháng 5/2025) thông qua.
Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì việc sửa đổi Bộ luật Hình sự là yêu cầu cấp thiết, khách quan.
Minh Ngân
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an