Tội phạm sử dụng công nghệ cao (còn gọi là tội phạm mạng hoặc tội phạm công nghệ thông tin) được hiểu là hành vi vi phạm pháp luật có chủ đích, trong đó đối tượng sử dụng phương tiện điện tử, máy tính, mạng Internet, viễn thông hoặc các thiết bị kỹ thuật số để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, hoặc lợi ích quốc gia.
Các đặc điểm chính của loại tội phạm này bao gồm:
+ Tính ẩn danh và phi biên giới: Người phạm tội có thể hoạt động từ bất kỳ đâu, gây khó khăn trong việc xác định danh tính và vị trí địa lý.
+ Tính kỹ thuật cao và phức tạp: Hành vi phạm tội thường sử dụng công nghệ tinh vi như mã độc, tấn công DDoS, giả mạo số điện thoại, Deepfake, AI,...
+ Tốc độ lan truyền nhanh và hậu quả rộng: Chỉ trong thời gian ngắn, hậu quả từ một vụ việc có thể ảnh hưởng tới hàng nghìn cá nhân hoặc hệ thống.
Trong thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh chóng, cả về quy mô và mức độ tinh vi. Với các hành vi vi phạm phổ biến, bao gồm:
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, email, cuộc gọi giả mạo.
Xâm nhập trái phép hệ thống dữ liệu của cơ quan, tổ chức.
Tổ chức cờ bạc trực tuyến, rửa tiền điện tử, đánh cắp tài khoản ngân hàng.
Phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, kích động gây bất ổn xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm công nghệ cao
- Nhận thức và ý thức bảo mật của người dân còn hạn chế. Nhiều người sử dụng mạng Internet nhưng chưa có kỹ năng an toàn số, dễ bị lừa đảo qua các hình thức giả mạo.
- Pháp luật chưa bắt kịp với thực tiễn phát triển công nghệ. Các quy định pháp lý hiện hành, mặc dù đã được sửa đổi bổ sung (như Luật An ninh mạng 2018), nhưng vẫn còn khoảng trống trong xử lý hành vi mới.
- Thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao về an ninh mạng. Đội ngũ điều tra viên, chuyên gia pháp lý và kỹ thuật viên còn thiếu về cả số lượng lẫn năng lực chuyên sâu.
- Thiết bị công nghệ và phần mềm độc hại dễ dàng tiếp cận. Thị trường "chợ đen" trên mạng cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ phạm tội với chi phí thấp, dễ sử dụng.
* Một số phương thức, thủ đoạn cụ thể:
1. Gọi điện thoại trực tiếp (qua số lạ, đầu số nước ngoài hoặc tổng đài ảo)
Đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thoại đến người dân.
Sử dụng các số có đầu số giống cơ quan nhà nước (giả số tổng đài, số giống 069 – đầu số của công an).
Nội dung cuộc gọi thường nói bạn đang liên quan đến vụ án rửa tiền, buôn lậu, ma túy… để đánh vào tâm lý hoang mang.
Ví dụ: “Chúng tôi là Công an tỉnh Khánh Hoà. Anh/chị có liên quan đến đường dây rửa tiền. Yêu cầu giữ bí mật, không được thông báo cho ai và phải hợp tác điều tra.”
2. Gửi tin nhắn SMS, Zalo, Viber, Messenger, Telegram
Tin nhắn có nội dung: “Bạn bị phạt nguội”, “Có quyết định khởi tố”, “Đăng nhập để xác minh thông tin”. Đính kèm đường link giả mạo (giống trang web của công an, ngân hàng, cơ quan nhà nước) nhằm dẫn dụ người dùng đăng nhập, cung cấp thông tin cá nhân. Mục tiêu: Lấy thông tin CCCD, tài khoản ngân hàng, mã OTP để chiếm đoạt tiền.
3. Gửi thư điện tử giả mạo cơ quan nhà nước
Nội dung thường có quyết định xử lý vi phạm, lệnh bắt giữ, giấy triệu tập. Kèm theo hình ảnh, file PDF, đường link hoặc yêu cầu tải phần mềm để “làm việc trực tuyến”. Giao diện thư điện tử về hình thức rất giống thư điện tử thật của cơ quan chức năng.
4. Gửi giấy tờ, văn bản giả qua mạng (Zalo, Messenger, email)
Gửi ảnh chụp “giấy triệu tập”, “quyết định khởi tố”, có dấu đỏ, chữ ký giả mạo. Dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền “tạm giữ tài sản”, “phí điều tra”, “đóng tiền bảo lãnh”.
5. Lập tài khoản mạng xã hội giả danh người quen hoặc cán bộ công an
Kết bạn với nạn nhân, giả vờ là người quen, hoặc cán bộ đang điều tra. Sau khi tạo lòng tin, bắt đầu yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin, chuyển tiền.
6. Giả mạo trang web chính thức
Thiết kế website giống y hệt website của Bộ Công an, Tòa án, Ngân hàng Nhà nước… Khi nạn nhân đăng nhập vào trang web giả mạo, toàn bộ thông tin sẽ bị đánh cắp.
* Các giải pháp phòng ngừa
1. Nâng cao nhận thức cộng đồng
Thông tin tuyên truyền: Các cấp chính quyền, các cơ quan truyền thông cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng.
Chia sẻ kiến thức bảo mật: Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, cách thức không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu cho người lạ hoặc qua điện thoại, tin nhắn.
2. Kiểm tra, xác minh thông tin
Liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng: Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn, người dân cần liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng qua số điện thoại chính thức để xác minh thông tin.
Không click vào các đường link lạ: Tránh truy cập vào các trang web không rõ nguồn gốc, chưa xác thực.
3. Các biện pháp kỹ thuật
Sử dụng phần mềm bảo mật: Cài đặt và cập nhật phần mềm diệt virus, chống mã độc, phần mềm giả mạo.
Bảo vệ thông tin cá nhân: Không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
4. Chỉ sử dụng các kênh giao dịch chính thống và an toàn
Giao dịch qua website và ứng dụng chính thức của ngân hàng, cơ quan nhà nước.
Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền, nộp phí qua các kênh không rõ nguồn gốc.
5. Phối hợp tuyên truyền và xử lý
Cơ quan chức năng phối hợp để nhanh chóng phát hiện, cảnh báo và xử lý các vụ lừa đảo.
Người dân cần báo cáo ngay khi phát hiện vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tăng cường chia sẻ, phổ biến kiến thức phòng chống lừa đảo cho người thân và cộng đồng.
Bá Nguyên