Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên là Trưởng Công an hoặc Phó trưởng Công an cấp xã trong dự thảo luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức cơ quan điều tra hai cấp.
Sáng 27/6, với 445/449 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán hành, Quốc hội đã thông qua dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/7/2025. Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã được trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra; quyết định phân công hoặc thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của điều tra viên, cán bộ điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của điều tra viên.
Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc sửa luật nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn tiến hành tố tụng hình sự thời gian qua (như thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc vắng mặt; quy định liên quan đến việc thi hành án tử hình, giám định tư pháp).

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Về nội dung Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã được trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra…Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện KSND tối cao quy định chi tiết khoản này”- luật quy định rõ.
Viện trưởng Viện KSND cho biết, quá trình thảo luận nhiều ý kiến nhận định việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên là Trưởng Công an hoặc Phó trưởng Công an cấp xã trong dự thảo luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức cơ quan điều tra hai cấp.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị rà soát lại thẩm quyền của điều tra viên là Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp xã để quy định cho phù hợp với năng lực của Công an cấp xã, bảo đảm hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Các đại biểu dự phiên họp.
Một số ý kiến cho rằng việc bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra cho Trưởng Công an hoặc Phó trưởng Công an cấp xã có thể khiến Công an xã trở thành một cấp điều tra mới, mâu thuẫn với quy định hiện hành, phát sinh thêm cơ quan điều tra Công an cấp xã. Ý kiến này lo ngại quy định như dự thảo sẽ đặt ra nhiều bất cập, như: con dấu sử dụng, tư cách ký văn bản, thẩm quyền phân công và thay đổi điều tra viên…
Về nội dung này, Viện KSND Tối cao khẳng định, Công an xã không phải là một cấp điều tra. Việc bổ sung quy định này là theo đề nghị của Bộ Công an, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi không tổ chức cơ quan điều tra Công an cấp huyện.
Cũng theo Viện KSND Tối cao, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát của thủ trưởng cơ quan điều tra, VKS có thẩm quyền; trách nhiệm liên đới của thủ trưởng cơ quan điều tra để phòng ngừa sai phạm của điều tra viên được giao nhiệm vụ là Trưởng Công an và Phó trưởng Công an cấp xã.
Về nội dung này, Viện KSND Tối cao cho rằng do Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh ủy quyền cho điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan điều tra, nên thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành vi, quyết định do điều tra viên đó thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
Việc ký các lệnh, quyết định tố tụng do điều tra viên ký “Thừa ủy quyền” Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, sau khi ký sẽ gửi các lệnh, quyết định tố tụng đến thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh để báo cáo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Viện KSND tối cao cho hay, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an cân nhắc, thận trọng trong việc lựa chọn phân công điều tra viên là Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã để bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện KSND tối cao để hướng dẫn cụ thể việc phân công, bố trí điều tra viên là Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phương Thuỷ
Theo CAND